1. Để đồ lót qua đêm mới giặt
Nhiều người có thói quen thường gom đồ qua nhiều ngày mới giặt. Tuy nhiên, đồ lót thường là nơi tích tụ khá nhiều vi khuẩn, nếu để qua đêm sẽ là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi, đặc biệt trong thời tiết nóng ẩm. Dù có giặt sạch sau đó, chúng vẫn sẽ ẩn chứa vi khuẩn và gây hại cho sức khoẻ.
Ngoài ra, cũng có một thói quen khác có thể gây hại là giặt đồ lót bằng tay. Trên thực tế, việc lười giặt đồ lót bằng tay không phải việc xấu. Bác sĩ sản phụ khoa Zhang Yuqin (Đài Loan, Trung Quốc) cho biết, dù giặt đồ lót bằng tay là việc tốt nhưng nếu giặt không kỹ thì chất tẩy rửa có thể vẫn bám trên đó.
Sử dụng quần lót có nhiều chất tẩy rửa không chỉ gây khói chịu khi mặc mà còn tổn thương vùng kín. Cùng với đó, khi giặt đồ lót bằng tay, nước hay chất cặn tẩy rửa không được vắt kiệt hoàn toàn cũng tạo điều kiện khiến vi khuẩn sinh sôi.
Tuy nhiên, dù giặt máy hay giặt tay cũng không thể loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn lưu lại. Chính vì vậy, để đảm bảo sức khoẻ vùng kín, nên thay đồ lót từ 3 - 6 tháng một lần.
2. Không vệ sinh điện thoại
Bề mặt điện thoại chứa khá nhiều vi khuẩn, thậm chí còn nhiều hơn cả nút thay máy hay bồn cầu. Một nghiên cứu đã tìm thấy số vi khuẩn trên điện thoại di động trung bình bẩn hơn gần 7 lần so với chỗ ngồi trên bề mặt bồn cầu. Đặc biệt, với những người sử dụng bao da làm ốp điện thoại, đây là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi.
Tuy nhiên, ít ai chú ý đến việc vệ sinh nó. Các chuyên gia khuyên nên thường xuyên làm sạch điện thoại, gồm cả làm sạch bề mặt và khử trùng để diệt vi khuẩn, virus và các mầm bệnh khác.
3. Đậy nắp máy giặt sau khi giặt
Một số người lo ngại bụi sẽ lọt vào bên trong máy giặt nếu như không đóng nắp. Tuy nhiên, sau khi giặt thì trong máy sẽ còn khá nhiều hơi ẩm và tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển bên trong.
Bác sĩ Tan Dunci (Đài Loan, Trung Quốc) cho biết, sau khi giặt quần áo, tốt nhất nên mở nắp máy giặt trong 30 phút đến một giờ đồng hồ để có đủ thời gian cho hơi ẩm tiêu tan, tránh tình trạng hơi ẩm quá mức bên trong gây mùi hôi và nấm mốc. Khi lồng giặt đã khô, có thể đóng lại để tránh bụi bẩn.
4. Gấp chăn ngay sau khi thức dậy
Gấp chăn ngay sau khi ngủ dậy sẽ giúp hơi ẩm và nhiệt không bị tản đi. Đồng thời cũng tạo điều kiện cho mạt bụi và nấm mốc phát triển. Chính vì vậy, gấp chăn ngay sau khi ngủ dậy là điều không cần thiết.
Bác sĩ Tan Dunci (Đài Loan, Trung Quốc) thông tin, nên giũ và lật lại mặt của chiếc chăn bông từ dưới lên trên để độ ẩm bay hơi một cách tự nhiên. Cùng với đó, cũng nên giặt và phơi chăn ga gối đệm từ một đến hai lần một tuần, ngăn nơi đây trở thành chỗ sinh sản của mạt bụi và nấm mốc.
5. Tắm quá kỹ
Tắm rửa quá lâu không hẳn là điều tốt, đặc biệt với làn da khô. Bác sĩ da liễu Cai Yishan (Đài Loan, Trung Quốc) cho hay, nếu bạn tắm hơn nửa giờ thì có thể khiến làn da bị làm sạch quá mức dẫn đến hỏng chức năng hàng rào bảo vệ da.
Chính vì vậy, thời gian tắm rửa được khuyến nghị trong khoảng 10 phút và chú ý làm sạch vị trí như nách, háng, nếp gấp ở cổ, sau tai, lòng bàn chân là nơi bám nhiều bụi bẩn. Hơn nữa, có 5 bộ phận trên cơ thể nếu vệ sinh quá sạch sẽ gây bệnh là mặt, tai, lỗ mũi, rốn và âm đạo.
6. Sử dụng thực phẩm mốc, hỏng một phần
Hầu như ai cũng biết việc sử dụng thực phẩm mốc, hỏng một phần là điều không nên. Nhưng nhiều người, đặc biệt là người cao tuổi do có thói quen tiết kiệm nên dù nhận ra thực phẩm có dấu hiệu hư hỏng nhưng vẫn không nỡ vứt đi toàn bộ mà giữ lại phần nhìn còn có thể sử dụng được để ăn.
Tuy nhiên, khi một phần của thực phẩm đã hỏng nghĩa là toàn bộ thực phẩm này đều đã biến chất và chứa lượng lớn aflatoxin - một loại độc tố vi nấm được sản sinh tự nhiên gây nguy hiểm cho sức khoẻ con người. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu nhất dẫn đến ung thư gan nếu thường xuyên sử dụng.
Đồng thời, thực phẩm mốc, hỏng có thể chứa một lượng nhất định độc tố cytotoxin có thể gây ngộ độc thực phẩm hoặc các vấn đề khác liên quan đến đường ruột.
7. Đũa và nồi dùng lâu ngày không đổi
Bề mặt của đũa có thể chứa các vi khuẩn gây bệnh. Nếu sử dụng đũa trong thời gian dài không đổi có thể tạo điều kiện cho những vi khuẩn này ngày một sinh sôi, từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng.
Ngoài ra, nếu trong môi trường ẩm mốc hoặc bảo quản không đúng cách, các loại đũa gỗ sẽ dễ bị nấm mốc, đổi màu, xuất hiện các đốm mốc và thậm chí có vị chua, khiến vi khuẩn gây bệnh gia tăng, gây hại cho sức khoẻ.
Cùng với đó, các loại nồi, chảo có lớp chống dính, sau khi dùng một thời gian dài khiến những lớp chống dính bong tróc, vùng màu bạc bên trong dần hiện rõ, tốt nhất nên thay nồi. Vì thực phẩm khi được xào nấu với nhiệt độ cao bằng những dụng cụ kém chất lượng có thể vô tình khiến thức ăn nhiễm các tạp chất kim loại, dư lượng từ lớp chống dính bong tróc... Nếu sử dụng trong thời gian dài sẽ gây hại với sức khoẻ.
8. Ngâm nước rã đông thịt
Khi thịt đông lạnh, các loại vi khuẩn trong thịt chỉ ngừng phát triển hoặc sinh sản chậm chứ không thể bị tiêu diệt hoàn toàn. Sau khi lấy chúng ra khỏi tủ lạnh và rã đông, các vi khuẩn sẽ tiếp tục phát triển, thời gian rã đông càng lâu, nhiệt độ càng cao thì vi khuẩn và các vi sinh vật càng hoạt động mạnh.
Nếu ngân thịt trong nước để rã đông, ít nhất sẽ mất khoảng một tiếng để miếng thịt khoảng 1kg tan hoàn toàn. Trong trường hợp này, với môi trường ẩm ướt, giàu chất dinh dưỡng với nhiệt độ phù hợp và thời gian vừa đủ, các vi khuẩn dễ sinh sôi với số lượng lớn và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cùng với đó, nếu thịt được ngâm trong nước và rã đông thì lượng protein hòa tan, axit amin, vitamin B,… trong thịt sẽ bị mất đi, mùi vị cũng trở nên kém hơn. Đặc biệt, khi sử dụng nước ấm dưới 60oC, tốc độ rã đông sẽ nhanh nhưng sự hao hụt chất dinh dưỡng cũng theo đó mà tăng lên.
Thậm chí, khi ở nhiệt độ trên 60°C có thể xảy ra hiện tượng "chín bên ngoài, đông cứng bên trong", tức là thịt bên ngoài gần chín nhưng thịt bên trong vẫn chưa rã đông. Điều này khiến hương vị thịt giảm đi rất nhiều.
9. Bọc thức ăn bằng khăn giấy
Khi không có giấy lót thực phẩm chuyên dụng, nhiều người có thói quen dùng khăn giấy. Tuy nhìn sạch sẽ nhưng trên khăn giấy vẫn có một lượng chất tẩy trắng, huỳnh quang nhất định. Khi tiếp xúc với thức ăn nóng ở nhiệt độ cao có thể nhiễm vào thực phẩm, lâu dài có thể gây hại cho sức khoẻ.
Cùng với đó, nhiều người, đặc biệt tại những hàng quán ven đường vẫn thường sử dụng báp, giấy in đã qua sử dụng để làm lót đồ ăn. Điều này không chỉ khiến đồ ăn có nguy cơ bị nhiễm độc chì mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm khuẩn bởi chúng đã được sử dụng, trải qua rất nhiều khâu in ấn, vận chuyển, truyền tay nhiều người.
10. Không rửa tay sau khi chạm vào tay vịn xe bus
Tay vịn trên xe bus có rất nhiều vi khuẩn từ mồ hôi, thậm chí là nước bọt và những chất bẩn khác. Chính vì vậy, sau khi xuống xe, tốt nhất nên rửa tay hoặc sát trùng bằng nước sát khuẩn để tránh các bệnh truyền nhiễm.