Từ tuần trước, hàng loạt thông tin liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công đã kích hoạt nhịp tăng mới cho nhiều cổ phiếu ngành xây dựng, qua đó nối dài chuỗi đi lên từ đầu năm. Thống kê của VnExpress cho thấy khoảng 60% cổ phiếu ngành này niêm yết trên HoSE và HNX đã tăng giá trong hai tháng qua. Tỷ suất sinh lời bình quân khoảng 9%, vượt trội hơn nhiều so với mức 2,3% của VN-Index.

Theo ông Lê Vũ Kim Tinh - Giám đốc chi nhánh Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS), điểm chung của những cổ phiếu có mức tăng trên 20% là bật nhanh và hút mạnh dòng tiền vài phiên trước khi doanh nghiệp công bố trúng thầu dự án đầu tư công.

Co-phieu-xay-dung-1740373957-5922-1740374066.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=fDETpFUxsFPotqT2etEP-A

Biến động giá 5 cổ phiếu ngành xây dựng - hạ tầng từ đầu năm đến nay. Ảnh chụp màn hình

Điển hình như CTD của Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons đang kéo dài mạch tăng 5 phiên khi doanh nghiệp này nằm trong liên danh trúng gói thầu hơn 3.140 tỷ đồng xây dựng nhà để xe tại dự án sân bay Long Thành. Từ vùng giá 88.000 đồng, cổ phiếu sáng nay chạm mốc 96.000 đồng, tức tăng gần 8,5%. Đây là vùng giá cao nhất trong gần 6 năm của Coteccons.

FCN, một thành viên trong liên danh trúng thầu dự án, cũng có chuỗi xanh 3 phiên và thanh khoản gấp 5 lần nhờ thông tin này. Thị giá cổ phiếu này vừa vượt 16.000 đồng, tăng gần 10% so với đầu năm.

Là đơn vị đứng đầu liên danh, CC1 của Tổng công ty Xây dựng số 1 còn tăng hết biên độ 15% trong phiên cuối tuần trước. Sáng nay, cổ phiếu này tích lũy thêm 4% để chạm vùng giá 20.000 đồng, cao nhất trong vòng một năm. Việc trúng thầu nhiều dự án, cộng thêm doanh thu cả năm 2024 tăng gần gấp đôi, giúp CC1 tăng hơn 28% trong vòng hai tháng.

Hai doanh nghiệp lớn trong ngành xây dựng - hạ tầng là Vinaconex (VCG) và Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) cũng trong nhịp tăng nhờ triển vọng nhận thêm nhiều dự án đầu tư công mới. VCG đã tăng 18% so với vùng giá đầu năm, còn HHV tăng hơn 10%.

Trong báo cáo phân tích mới đây của Công ty Chứng khoán ACB, hai mã này cùng nằm trong danh mục những cổ phiếu hưởng lợi trực tiếp từ thúc đẩy đầu tư công. Nhóm phân tích ước tính giá trị backlog (đơn hàng tồn đọng) của VCG hơn 17.000 tỷ đồng và HHV hơn 2.900 tỷ đồng. Con số lần lượt gấp đôi và gấp ba doanh thu mảng xây lắp của họ trong năm 2023 nhờ liên tục trúng thầu các dự án trọng điểm quốc gia.

"Đẩy mạnh đầu tư công đang tạo ra tâm lý tích cực cho thị trường chứng khoán, đặc biệt là nhóm cổ phiếu xây dựng hạ tầng bởi nhà đầu tư đang kỳ vọng vào khả năng tăng doanh thu, lợi nhuận từ các dự án lớn. Dòng tiền vào nhóm này đã tạo đáy cuối tháng 10/2024, phục hồi từ nửa cuối tháng 12 và chính thức bứt tốc từ đầu năm nay", ông Nguyễn Đại Hiệp, Giám đốc tư vấn khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nhận định.

233A0594-1740373974-4778-1740374066.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=kcIDEoza1JLdboootIOh6Q

Công trường xây dựng sân bay Long Thành tháng 1/2025. Ảnh: Quỳnh Trần

Theo ông Hiệp, dư địa tăng trưởng của cổ phiếu ngành xây dựng hạ tầng vẫn còn lớn bởi khi thông qua mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8%, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ đẩy nhanh các dự án hạ tầng chiến lược và khơi thông dòng vốn đầu tư công. Cụm từ "cải thiện tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công" liên tục được lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh trong các hội nghị gần đây, bởi một đồng vốn công được giải ngân sẽ kéo theo 2 đồng vốn cho đầu tư xã hội.

Năm ngoái, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công bị chậm do Luật Đất đai 2024 có hiệu lực làm tăng chi phí giải phóng mặt bằng và tạm dừng một số dự án để điều chỉnh. Ngoài ra, thiếu vật liệu xây dựng ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ giải ngân vốn.

Tuy nhiên, theo ACBS, viễn cảnh năm nay có thể khác. Đầu tư công luôn là động lực tăng trưởng truyền thống, nhưng vai trò của động lực này trong năm nay còn lớn hơn khi tiêu dùng nội địa hồi phục chậm và đầu tư kinh tế tư nhân có xu hướng giảm. Hơn nữa, đây là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 nên Chính phủ đang cho thấy quyết tâm rất cao.

ACBS ước tính năm nay có 12 dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 dự kiến hoàn thành. Tổng vốn đầu tư của các dự án này là 147.000 tỷ đồng, trong đó, giá trị còn lại gần 62.000 tỷ đồng. Bên cạnh VCG và HHV, nhiều doanh nghiệp niêm yết khác như Tổng công ty Công trình đường sắt (RCC), Công ty cổ phần Lizen (LCG), Tập đoàn Cienco 4 (C4G)... cũng trực tiếp tham gia vào các dự án này. Nhờ đó, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp đều trên đà tăng mạnh, thậm chí một số liên tục chạm trần và không có bên bán.

Dù vậy, ông Hiệp cho rằng nếu số liệu giải ngân những tháng tới chưa thực sự khả quan, đà tăng giá của nhóm này có thể hạ nhiệt trong ngắn hạn. Ước tính đến hết tháng 2, giải ngân vốn đầu tư công đạt 60.423 tỷ đồng, tương đương 7,32% kế hoạch giải ngân 826.000 tỷ đồng.

Theo ông Hiệp, tính trong khung thời gian 5 năm và 10 năm, hệ số P/B (Price-to-Book ratio, tức thị giá trên giá trị sổ sách) của nhóm ngành xây dựng hạ tầng đang cao hơn P/B trung bình của thị trường. Điều này thể hiện nhà đầu tư đang kỳ vọng lớn vào mức tăng trưởng của ngành.

"Giá cổ phiếu có thể sớm điều chỉnh theo thực tế tiến độ giải ngân vốn và hiệu quả của các dự án", chuyên gia này nói.

Đồng quan điểm, ông Lê Vũ Kim Tinh cho rằng trợ lực lớn nhất cho giá cổ phiếu xây dựng hạ tầng đang là thông tin trúng thầu dự án. Tuy nhiên, mức độ sôi động của dòng tiền trong thời gian tới sẽ phụ thuộc lớn vào tiến độ giải ngân và thực hiện dự án.

Nếu khả quan, dòng tiền có thể lan rộng đến những ngành phục vụ xây lắp như thép, xi măng, nhựa đường. Sau cùng và mang tính dài hạn hơn, cổ phiếu logistics, bất động sản khu công nghiệp, bất động sản dân dụng sẽ gián tiếp hưởng lợi khi triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp tốt lên nhờ sự cải thiện về hạ tầng để tăng tính kết nối, tối ưu hoá chuỗi cung ứng, giảm chi phí vận hành.

Phương Đông

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022