Từ nhiều năm nay, ca sĩ Ánh Tuyết đã lui về ở ẩn tại Hội An. Chị hiếm khi đi hát, đặc biệt là những chương trình ở xa vì sức khỏe không cho phép. Tuy nhiên, nữ ca sĩ vừa có mặt tại Sài Gòn để tham gia 2 đêm nhạc từ thiện “Tango Night in Saigon” với sự góp mặt của một số nghệ sĩ đến từ Nhật Bản và Pháp.
Theo đó, Ánh Tuyết sẽ biểu diễn bài hát “Phố buồn” của Phạm Duy và “Bóng chiều xưa” của Dương Thiệu Tước. Nhân dịp này, nữ ca sĩ đã dành cho báo giới một cuộc trò chuyện thân mật để chia sẻ về cuộc sống của mình ở thời điểm hiện tại.
Không hát thì bị bảo là chảnh
- Ở Hội An nghe nói chị vẫn đi hát phòng trà hàng đêm?
Không. Đó là quán cà phê Hát với nhau của em trai tôi. Khách vô uống nước đồng giá 50.000 đồng. Hội An giá chỉ vậy thôi. Tôi lên đó để nhảy đầm cho khỏe người, khỏe chân nhưng rồi cũng bị khán giả “bốc” lên hát.
Người ta nói nhiều quá mà mình không hát thì sẽ bị bảo là chảnh. Hội An rất nhỏ, mọi người gặp nhau hàng ngày, ai cũng biết mặt nhau hết. Mình sống kiểu chan hòa bình dân chứ không thể kiểu làm điệu được.

Ca sĩ Ánh Tuyết sẽ tái ngộ khán giả TPHCM trong 2 đêm nhạc vào ngày 26 và 28/2.
- Đã lâu rồi chị không hát ở một sân khấu lớn nhưng sắp tới lại tham gia biểu diễn trong một chương trình có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ quốc tế. Chị có bị áp lực không?
Hồi xưa tôi đi học cũng đâu được tập luyện, ít lắm nhưng trời thương cho giọng hát. Được cái âm vực của tôi rộng. Khi tắt tiếng thì mình xuống tone thấp hẳn, vẫn hát được.
Ví dụ hồi xưa, tôi hát bài “Ôi mê ly”, đang hát tone mi trưởng nhưng hôm đó tắt tiếng, nói ban nhạc xuống 5 tone. Ban nhạc tưởng tôi nói giỡn vì người ta xuống nửa tone đến 1 tone là mệt rồi, còn mình xuống 5 tone. Tôi đổi hẳn giọng anto hát. Khi tôi lên hát thì ban nhạc mới tin. Tất nhiên, chất giọng của tôi không phải giọng anto nhưng tôi hát được tone đó, xuống được tone đó.
“Tôi đã hơn 60 tuổi rồi, ôm đồm làm gì nữa cho mệt”
- Nhiều người nói chị hết thời nên mới về Hội An ở. Sự thật thì vì sao có sự thay đổi đó? Khi rẽ sang một công việc hoàn toàn khác so với trước đây thì chị thấy thế nào?
Nó thuộc về thời cuộc. Giai đoạn nghệ thuật thay đổi, người ta coi tivi, game show nhiều hơn. Lứa khán giả thích đi nghe hát phòng trà cũng ít đi. Lứa trẻ ngồi phòng trà với điều kiện phòng trà phải như thế nào chứ không như ngày xưa được.
Tôi lúc đó theo đường đi của vận mệnh chứ không tính toán trước. Mới đầu, tôi định tập trung gia đình về Củ Chi ở, chứ không nghĩ sẽ về Hội An. Tôi đã làm nhà trên đó rồi. Đùng cái, cậu em là cánh tay mặt cho tôi ở phòng trà ATB qua đời. Sau đó là mẹ mất.

Dù lâu không đứng trên sân khấu lớn nhưng Ánh Tuyết cho biết trời cho giọng hát nên không cảm thấy lo lắng.
Tôi về Hội An chơi, bạn bè rủ buôn đất nên nhảy vô bất động sản. Cũng có thể tôi là con nhà buôn từ nhỏ. Lúc bé, tôi đã lăn lộn ra chợ, ra bến đò chợ cá mua bán nên lanh lợi. Sáng bán cơm cho mẹ, chiều làm gian hàng riêng, bán đủ thứ, tiền lời rất nhiều. Thấy tôi có nhiều tiền quá, mẹ không tin là tôi kiếm được mà nghĩ tôi ăn cắp tiền của mẹ.
Tôi làm ra tiền nhưng không biết xài tiền. Thời đó, những năm bảy mấy tám mươi – ai cũng chỉ biết kiếm miếng ăn thôi, không ai nghĩ tới chuyện dành dụm tiền. Còn tôi kiếm được thì để đó chứ chưa biết làm gì. Thời đó mà có chiếc xe đạp là tài sản lớn rồi.
Tôi tập buôn bán rồi lanh lợi. Cái gì cũng làm một mình. Vào Sài Gòn làm nghệ thuật cũng vậy. Chương trình nào cũng tự biên tập, tự diễn, không mời ai hết. Tập chương trình cũng làm, đạo diễn cũng làm, thiết kế sân khấu cũng làm, dàn dựng sân khấu cũng làm… Một mình làm hết mới có tiền nuôi anh em.
Đoàn quân anh em ở ATB lên tới 60 người, mỗi lần dắt quân đi, ít nhất là 40 người. Tôi nuôi như một đoàn hát chuyên nghiệp.
Tôi mê nghệ thuật thôi chứ không có mục đích kinh doanh. Mê quá nên cái gì cũng lao ra làm, để bớt chi phí tiền bạc thì mới trụ được. Vậy mà cũng trụ không nổi, phải lập một công ty xây dựng, phải mở nhà hàng để lấy tiền từ bên đó đổ vào nuôi phòng trà. Một lúc quản lý 3 thứ.
Về Hội An ở là sự vô tình thôi. Phần nữa là nghệ thuật có chiều hướng thay đổi mà tôi nghĩ cần chậm lại để tìm hiểu để biết cái gì nên và cái gì không nên làm.
Bây giờ, tôi chuẩn bị hoàn thiện xong những thứ mà mình lỡ va vào là bất động sản. Khi nào xong phần bất động sản, tôi sẽ quay lại nghệ thuật. Tôi không biết mình có biểu diễn nổi nữa không nhưng sẽ cố gắng làm các album trong khả năng của mình. Tôi cố gắng hết sức làm những gì tốt nhất.

Ánh Tuyết và nữ nghệ sĩ người Nhật Kimiyo Ogawa trong buổi gặp gỡ thân mật với báo giới chiều 25/2.
- Người ta thường tích trữ nhà cửa đất đai để yên tâm có khoản dưỡng già, phòng khi bệnh tật ốm đau, còn chị lại định bán hết bất động sản? Trong khi ai cũng biết Ánh Tuyết vốn rất nhiều bệnh?
Tôi sẽ bán lại hết. Tôi đã hơn 60 tuổi rồi, ôm đồm làm gì nữa cho mệt. Bây giờ tôi muốn bán hết bất động sản để đi chơi cho khỏe.
Tôi có giữ lại thì con tôi sau này cũng đâu biết gì. Tôi muốn bán hết, cái gì để lại cho con thì để cho con. Tôi để lại một ít đủ 2 vợ chồng tiêu xài đi đây đi đó, còn đâu gửi tiền vô ngân hàng, lấy tiền lời để tiêu. Thế thôi.
Cũng nói thật là, tôi muốn làm một quán cơm bình dân cho người nghèo ở Hội An trong năm nay. Tôi có mặt bằng rồi nhưng để thực hiện thì cần có thời gian để kêu gọi người phụ hợ mình nữa. Quán sẽ bán cơm 2.000, 3.000 hoặc 5.000 đồng nhưng ai nghèo thì mình phát phiếu để họ ăn miễn phí hàng ngày luôn.
- Cảm ơn chị đã chia sẻ!