Việt Nam điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay lên hơn 8%, theo nghị quyết của Quốc hội. Việc này nhằm tạo đà cho những năm tiếp theo tăng trưởng kinh tế hai chữ số (trên 10%).
"Việc đạt mức tăng trưởng 8%, thậm chí hai con số là hoàn toàn có thể như kinh nghiệm của Singapore và Trung Quốc, đặc biệt khi Việt Nam có động lực mạnh mẽ trong 2024 với GDP tăng trên 7%", ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu của United Overseas Bank (UOB) nhận định, ngày 25/2.
Để đạt được, chuyên gia nhà băng Singapore khuyến nghị Việt Nam tăng mạnh đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng và giảm tác động từ nguy cơ suy giảm trong xuất khẩu và sản xuất.
Năm nay, tổng nguồn vốn đầu tư công (sau bổ sung) gần 900.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh giải ngân vốn công còn chậm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành hoàn thiện thể chế, tháo gỡ vướng mắc, quy định liên quan đấu thầu, vốn công với tinh thần "mắc đâu tháo gỡ đó". Chẳng hạn, Chính phủ sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, gồm đường sắt.

Ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu UOB. Ảnh ngân hàng cung cấp
Theo dữ liệu từ IMF, tỷ lệ chi tiêu cho hình thành vốn (capital formation expenditure) của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 30% GDP, thấp hơn nhiều so với mức 41% của Trung Quốc. "Việt Nam vẫn thiếu hụt đáng kể về hạ tầng", ông nói.
Quá trình triển khai các dự án hạ tầng cần được đẩy nhanh để vừa tạo động lực tăng trưởng ngắn hạn trong khi đầu tư được thực hiện, vừa nâng cao năng suất dài hạn sau khi dự án hoàn thành, theo ông Suan Teck Kin.
Quốc hội gần đây thông qua dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, trị giá 8 tỷ USD kết nối Trung Quốc. Cùng với đó, việc mở rộng đường cao tốc Bắc – Nam sắp hoàn thành, phát triển thêm các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP HCM... được đánh giá là tín hiệu đáng khích lệ trong phát triển hạ tầng.
Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng Việt Nam cần đầu tư mạnh thêm các hạ tầng quan trọng khác phục vụ trí tuệ nhân tạo (AI)/dữ liệu, năng lượng, nguồn nước để hỗ trợ tăng trưởng bền vững. Ngoài ra, ông Suan Teck Kin cho rằng chính sách tài khóa của Việt Nam đang quá thận trọng, khi Chính phủ đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nợ công/GDP từ 35% hiện tại xuống 31% vào 2029.
"Để tăng đầu tư công, có thể cần phải chấp nhận tăng vay nợ và sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều hơn", ông khuyến nghị.
Chuyên gia UOB đồng thời chỉ ra những thách thức cho mục tiêu tăng trưởng năm nay. Việt Nam có mức độ phụ thuộc lớn vào thương mại, với tổng kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng 90% GDP, cao thứ hai trong ASEAN, sau Singapore (174%) và vượt xa Malaysia (69%).
Hiệu suất GDP mạnh mẽ của Việt Nam trong năm 2024 chủ yếu nhờ thương mại, khi xuất khẩu tăng 14% sau khi giảm trong năm trước đó. Đặc biệt, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch.
Vì vậy, rủi ro từ chính sách thuế quan của Mỹ có thể ảnh hưởng đến một trong những động lực tăng trưởng quan trọng này. Chuyên gia UOB cho rằng ngành sản xuất, dịch vụ sẽ chịu tác động nếu hàng Việt bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan. Khi đó, chi tiêu trong nước có thể giảm đi. Trường hợp thuận lợi, tác động gián tiếp vẫn tồn tại khi hoạt động kinh tế Mỹ chậm vì các chính sách mới, dẫn đến nhu cầu hàng hóa giảm.
Ở trụ cột FDI, vốn thực hiện năm ngoái đạt kỷ lục 25,4 tỷ USD. Tuy nhiên, chu kỳ bán dẫn có dấu hiệu suy giảm sau giai đoạn tăng trưởng mạnh hồi 2024, ảnh hưởng đến các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Thực tế, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã giảm trong hai tháng liên tiếp, cho thấy đơn hàng chậm lại.
Ngoài ra, dòng vốn ngoại có thể chịu tác động từ chính sách thuế quan, khi các doanh nghiệp cân nhắc chuyển hướng đầu tư sang các địa điểm ít có khả năng bị áp thuế từ Mỹ. Với những trở ngại này, UOB giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam 2025 ở mức 7%.
Viễn Thông