Thông tin trên được ông Đinh Hồng Kỳ, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM (Huba), nói tại tọa đàm "Chuyển đổi xanh: Từ áp lực đến cơ hội kinh doanh" sáng 19/2.
Theo ông Kỳ, trào lưu chuyển đổi xanh còn nhiều thách thức, một trong số rào cản với doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khi thực hiện dự án xanh là tài chính. Ông Kỳ dẫn báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay 65% doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận vốn để thực hiện các dự án xanh.
"Dù có các cơ chế tài chính hỗ trợ, việc đưa nguồn vốn này đến đúng đối tượng vẫn là bài toán khó", Phó chủ tịch Huba nhận xét.

Ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (Huba). Ảnh: Người lao động
Kinh doanh trong lĩnh vực tái chế bã cà phê, ông Nguyễn Tấn Lộc, Giám đốc Công ty TNHH Tái chế cà phê Lộc Nhân, thừa nhận tín dụng là rào cản lớn.
"Nhiều chủ doanh nghiệp khởi nghiệp đã phải bán nhà để có vốn hoạt động", ông Lộc nói, thêm rằng các ngân hàng cần có chính sách hỗ trợ tốt hơn, đơn giản quy trình thẩm định và điều kiện cấp tín dụng.
Thực tế, tỷ trọng xanh trong dư nợ tín dụng tại Việt Nam còn khiêm tốn. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính tới cuối tháng 11/2024, dư nợ tín dụng xanh của cả nước khoảng 650.000 tỷ đồng, chiếm 4,3% trong tổng dư nợ toàn nền kinh tế (15 triệu tỷ đồng). Tỷ trọng này thấp do chưa có hướng dẫn của các cơ quan, bộ, ngành liên quan đến danh mục phân loại xanh.
Việc cho vay vốn xanh gặp khó, theo các ngân hàng do thiếu danh mục dự án xanh, tiêu chuẩn và điều kiện cụ thể để họ có căn cứ rõ ràng khi doanh nghiệp vay. Ông Vương Thành Long, Giám đốc Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV cho rằng khi nhà chức trách ban hành danh mục này, một phần ngân sách có thể được sử dụng để tái cấp vốn cho các ngân hàng. Việc này sẽ tạo động lực giúp các nhà băng giảm lãi suất, phí cho vay các dự án xanh. BIDV hiện cấp tín dụng xanh lớn nhất hệ thống, với 81.000 tỷ đồng.
Bên cạnh vốn, nhân lực cũng là yếu tố đáng lo ngại với doanh nghiệp nhỏ và vừa khi muốn xanh hóa. Theo thống kê, khoảng 12% doanh nghiệp tại TP HCM có nhân sự chuyên môn về ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị), gây cản trở lớn cho quá trình chuyển đổi. Công nghệ cũng là một thách thức, đặc biệt ở các ngành có mức phát thải cao như dệt may, khi 40% thiết bị đã lạc hậu.
Rào cản khác là nhận thức của chính các doanh nghiệp. Không ít ông chủ doanh nghiệp vẫn băn khoăn trước câu hỏi "chuyển đổi xanh có thực sự mang lại lợi ích hay chỉ là xu hướng ngắn hạn".
Trong khi doanh nghiệp Việt còn loay hoay, các tập đoàn lớn nước ngoài đã có bước đi mạnh mẽ. Heniken đầu tư 14 triệu USD vào năng lượng tái tạo và cắt giảm 50% lượng carbon. Unilever mỗi năm tái chế 10.000 tấn nhựa. "Nếu doanh nghiệp Việt Nam không kịp thích nghi, nguy cơ bị loại khỏi chuỗi cung ứng quốc tế là rất lớn", Phó chủ tịch Huba nói.
Đại diện doanh nghiệp TP HCM cũng mong Chính phủ và các cơ quan quản lý có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh. Ví dụ, tại Canada, lộ trình hướng tới phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) đến 2030 được hiển thị theo từng ngày trên màn hình tại tòa thị chính Toronto, giúp toàn bộ hệ thống theo dõi và thực hiện mục tiêu minh bạch, cụ thể.
Trong khi đó, Việt Nam vẫn trong giai đoạn xây dựng chính sách. Ông Kỳ cho rằng để chuyển đổi xanh thực sự hiệu quả, cần đặt mục tiêu cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực, đồng thời có chính sách dài hạn bảo đảm phát triển bền vững.
Ở góc độ doanh nghiệp, việc tạo điều kiện cho họ tiếp cận vốn, hỗ trợ đào tạo nhân lực và khuyến khích đổi mới công nghệ sẽ là chìa khóa đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, tăng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Thủy Trương