Con rắn cắn bé bị mọi người đánh chết chiều 24/7, còn bé vẫn chơi và ăn uống bình thường nên gia đình không đưa đi viện mà lấy thảo dược đắp vào vết thương. Sau một đêm, chân trái tím đen, trẻ sốt cao, co giật, được đưa đi cấp cứu.
Ngày 25/7, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Tuyên Quang cho biết bé nhập viện sau 22 giờ bị rắn cắn, tình trạng nguy kịch, co giật từng cơn, hôn mê, chân trái tím đen. Bác sĩ sơ cấp cứu, sử dụng kháng sinh để kiểm soát vết thương, đồng thời hội chẩn với đồng nghiệp Bệnh viện Nhi Trung ương và chuyển bé lên tuyến trên điều trị.
Vết thương bé trai diễn biến nặng. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Mỗi loài rắn có độc tính của nọc khác nhau. Triệu chứng, tình trạng ngộ độc của người bị rắn cắn phụ thuộc vào loài rắn, vị trí vết cắn. Riêng rắn hổ mang là loài cực độc, có thể gây nhiễm độc thần kinh với biểu hiện suy hô hấp, liệt cơ, rối loạn nhịp tim, ngưng tim, thậm chí tử vong.
Điều trị hữu hiệu nhất là dùng huyết thanh kháng nọc rắn, thời điểm sử dụng tốt nhất là 6 giờ đầu, chậm nhất trong 24 giờ.
Bác sĩ khuyến cáo khi bị rắn cắn, nhất là rắn độc, nạn nhân cần được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt để điều trị kịp thời. Trong lúc chờ đợi xe đưa đi cấp cứu, nạn nhân ngồi hoặc nằm, cố gắng hạn chế cử động. Điều chỉnh tư thế để giữ vùng bị rắn cắn thấp hơn tim, kể cả trong lúc vận chuyển đến bệnh viện.
Rửa vết thương bằng xà phòng và nước. Tháo bỏ đồng hồ, đồ trang sức (nếu có) và nới lỏng quần áo để giảm khó chịu trong trường hợp bị sưng tấy. Bạn có thể quấn băng gạc sạch lên vết thương để làm chậm sự di chuyển của nọc độc trong cơ thể. Tuy nhiên, không băng quá chặt để đảm bảo máu lưu thông bình thường.
Không hút nọc độc từ vết cắn. Không rạch vết thương bằng dao. Không cố đuổi theo để bắt, giết con rắn. Không chườm đá, đắp lá cây hoặc bôi bất cứ thuốc gì lên vết thương. Không tự ý cho trẻ uống thuốc hoặc đắp thuốc lạ lên vị trí rắn cắn.
Ngoài ra, ghi nhớ một số thông tin như thời điểm bị rắn cắn, kích thước, màu sắc rắn, các phản ứng đầu tiên của nạn nhân để hỗ trợ điều trị.
Minh An