Ngày 25/7, thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, vừa qua, các bác sĩ đơn vị này đã phẫu thuật thành công cứu sống một bé trai 3 tuổi bị chó cắn nham nhở vùng mặt.
Cụ thể, bệnh nhi được người nhà đưa vào viện trong tình trạng bị chó cắn vào mặt. Theo lời người nhà, bé bị một con chó lai becgie nặng khoảng 40kg cắn. Sức cắn mạnh làm tổn thương nặng vùng đầu mặt cổ của bé.
PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt tạo hình và thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, khi tiếp nhận cháu bé, các bác sĩ đã tiên lượng và nhận định đây là trường hợp đa vết thương phần mềm phức tạp ở vùng quan trọng.
Bệnh nhi cần được thăm khám, điều trị cấp cứu đa chuyên khoa song song kiểm tra tình trạng vết thương có đe doạ tính mạng bệnh nhi hay không.
Các bác sĩ hội chẩn tìm ra phương pháp phẫu thuật tối ưu cho bệnh nhi. Ảnh BVCC
Tại bệnh viện, khi tiến hành thăm khám, các bác sĩ nhận thấy vết thương của trẻ tương đối nham nhở, có sự bóc tách rộng gây nguy cơ nhiễm trùng, xé toác da, vết thương đi vào vùng trán và góc mắt trong, gây đứt ống tuyến lệ, rách mi mắt, gãy đôi xương hàm, xương gò má.
Vết thương vùng cổ bệnh nhi ngay sát đường đi của động mạch cảnh, nếu chú chó cắn chỉ thấp hơn 1-2cm sẽ xuyên thẳng động mạch cảnh đe dọa tính mạng ngay lập tức.
Sau khi đã có chẩn đoán và kiểm tra kĩ càng, bệnh nhi được đưa vào phòng phẫu thuật. Trong mổ, cháu bé đã được các bác sĩ tiến hành cắt lọc làm sạch vết thương, sử dụng kính hiển vi để "bới tìm" ống tuyến lệ chỉ nhỏ khoảng 0,5 mm, từ đó khâu nối lại. Nếu không xử trí, đứt ống tuyến lệ khiến trẻ chảy nước mắt liên tục. Ngoài ra, ê kíp sửa chữa xương gò má và góc hàm, đảm bảo chức năng ăn nhai sau này.
Ca phẫu thuật diễn ra trong gần 6 tiếng đồng hồ đã giúp phục hồi tối đa sức khỏe cho bệnh nhi. Hiện tại 1 tuần sau mổ tiên lượng bệnh nhi tương đối thuận lợi, vết thương không sưng tấy đỏ, xương cố định tương đối vững chắc, khuôn mặt không quá biến dạng, tiếp tục được theo dõi và điều trị.
Mì chính có phải là thủ phạm gây suy giảm trí nhớ như lời đồn