Ngày 25/7, TS.BS. Huỳnh Thị Thu Thủy, cố vấn Bệnh viện Mỹ Đức, cho biết bệnh nhân bị sốc mất máu do ra huyết âm đạo lượng nhiều vì bệnh lý lạc nội mạc tử cung trong cơ tử cung, còn gọi bệnh cơ tuyến tử cung (adenomyosis). Đây là bệnh lý phổ biến ở phụ nữ thuộc lứa tuổi sinh sản, lành tính nhưng có thể ảnh hưởng đến khả năng có con cũng như sức khỏe người phụ nữ.

Khi ở Đài Loan, bệnh nhân đã được bác sĩ chẩn đoán lạc nội mạc tử cung, kê thuốc uống trong 5 tháng, nếu không khả quan sẽ phải cắt bỏ tử cung. Đến Việt Nam công tác, chị uống thuốc theo toa, tình trạng ổn định. Gần đây, chị ra máu âm đạo, rỉ rả liên tục kèm đau bụng. Sau đó, máu ra đột ngột với lượng nhiều khiến chị hoa mắt, chóng mặt, vã mồ hôi, được đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Các bác sĩ báo động đỏ, xử trí chống sốc, dùng thuốc cầm máu và truyền hai đơn vị máu. Bệnh nhân tỉnh táo hơn nhưng máu vẫn chảy ồ ạt, ước tính mất khoảng 1,3 lít máu. Ê kíp xác định lập tức mổ cấp cứu, khả năng phải cắt bỏ tử cung do mất máu quá nhiều. Nếu không phẫu thuật kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng máu chảy không cầm được, từ đó suy gan, suy thận và ảnh hưởng tính mạng bệnh nhân.

"Đây là một tình huống khó khăn, cả về pháp lý bởi bệnh nhân là người nước ngoài không có người thân đi cùng, lẫn chuyên môn vì bệnh nhân đã lập gia đình mà chưa có con nên cắt bỏ tử cung là một quyết định rất lớn", bác sĩ Thủy phân tích.

Bệnh nhân muốn được xử trí cầm máu rồi bay về Đài Loan điều trị tiếp, tuy nhiên phương án này rất rủi ro. Các bác sĩ nỗ lực thuyết phục, giải thích cặn kẽ về tình trạng bệnh, nguy cơ và lợi ích của các phương án. Sau khi trao đổi trực tuyến với gia đình, bệnh nhân quyết định mổ.

Ê kíp bước vào cuộc mổ với tâm thế nỗ lực tối đa để giữ lại tử cung, nhưng toàn bộ tử cung đã bị biến dạng vì các khối u có kích thước từ 2 cm (tương đương quả quất) đến 7 cm (tương đương quả cam) nằm khắp nơi. Tiếp tục bóc tách các khối u này để giữ tử cung, nguy cơ rất cao. Sau khi khảo sát và cân nhắc hết các khả năng, ê kíp quyết định cắt bỏ tử cung, chừa hai buồng trứng với hy vọng bệnh nhân về sau muốn sinh con có thể thụ tinh trong ống nghiệm bằng phương pháp mang thai hộ.

Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân hồi phục sức khỏe. "Khác biệt ngôn ngữ nên tôi chưa thể giao tiếp với tất cả mọi người, nhưng rất hài lòng vì được chăm sóc và giải thích cụ thể từng chỉ định, hướng dẫn để ra quyết định quan trọng của đời tôi", bệnh nhân nói.

chi-c-j-yu-sau-khi-du-o-c-ca-p-2033-6638-1690281658.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=OS6iNcQPQ3HotJSKuHp3Xg

Bệnh nhân hồi phục tốt sau điều trị. Ảnh: Minh Thư

Bác sĩ Nguyễn Mai An, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Mỹ Đức Phú Nhuận, cho biết bệnh nhân còn trẻ nên ê kíp chỉ cắt bán phần tử cung (còn chừa lại cổ tử cung) để hạn chế tối đa ảnh hưởng quan hệ vợ chồng. Sau khi cắt tử cung, bệnh nhân sẽ không còn kinh nguyệt hàng tháng dù vẫn còn hai buồng trứng.

Các khảo sát cho thấy phụ nữ cắt tử cung có nguy cơ mãn kinh sớm hơn bình thường. Do đó, bác sĩ khuyên cần đi khám sớm khi có biểu hiện mãn kinh như bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm, khô rát âm đạo...

Đa phần phụ nữ bị lạc nội mạc trong cơ tử cung thường không triệu chứng. Một số trường hợp ra huyết âm đạo bất thường. Bác sĩ khuyến khích kiểm tra phụ khoa mỗi năm ít nhất một lần để tầm soát bệnh lý, tránh các biến chứng hay diễn tiến nặng. Người đang điều trị nội khoa (dùng thuốc) có bất kỳ dấu hiệu bất thường, đặc biệt là ra huyết âm đạo rỉ rả, không cầm được, nên khám ngay để được xử trí kịp thời.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022