Trong cuộc sống hiện đại, chiều cao nam giới đóng vai trò quan trọng trong các mối quan hệ hay công việc, giúp họ cảm thấy tự tin hơn. Tuy nhiên, đối với cánh mày râu có chiều cao khiêm tốn, họ có cách khác để thể hiện sự mạnh mẽ.

Hôm 23/11, các nhà khoa học từ Đại học Wrocław ở Ba Lan, đã công bố nghiên cứu cho thấy đàn ông thấp bé thường có xu hướng thể hiện sức ảnh hưởng về mặt tâm lý, thay vì thể chất.

"Khi con người không thể ghê gớm về thể chất, thay vào đó họ có thể trở nên ghê gớm về mặt tâm lý. Những người đàn ông thấp hơn sử dụng các đòn tâm lý để đòi hỏi sự tôn trọng, gây ấn tượng với nửa kia của mình. Việc trông có vẻ mạnh mẽ hơn có thể khiến người khác cảm thấy họ cao hơn so với thực tế", giáo sưMonika Kozlowska, tác giả chính nghiên cứu, cho biết.

Hội chứng người lùn, hay còn gọi "phức cảm Napoleon", vốn đã được nhiều chuyên gia tâm lý và bác sĩ tâm thần học nghiên cứu nhiều năm. Thuật ngữ được xác định vào năm 1926 bởi nhà phân tâm học người Áo Alfred Adler.

Phức cảm Napoleon giả định rằng những người tự cảm thấy mình ít nam tính (thường là thấp lùn), sẽ bù đắp những khuyết điểm bằng cách la hét, nói to, tìm kiếm sự chú ý và hăm hở chứng tỏ bản thân hoặc đầy tham vọng, quyền lực, thích chiến tranh và chinh phục...

shortest1-6560-1441417557-5369-1670398730.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=r5Kz7Wtnc1BVpp5Rxn9woQ

Sultan Kosen, nông dân 31 tuổi người Thổ Nhĩ Kỳ, cao 2,51 m, hội ngộ cùng Chandra Bahadur Dangi, 74 tuổi, đến từ Nepal, có chiều cao 55 cm, năm 2014. Ảnh: Wen

Vào năm 2018, nhà tâm lý học tiến hóa Mark van Vugt cùng đồng nghiệp tại Đại học Amsterdam đã tìm thấy bằng chứng về phức cảm Napoleon ở nam giới. Họ phát hiện đàn ông thấp bé có hành vi hung hăng hơn trong tương tác xã hội. Theo các chuyên gia, "nhóm này có cảm giác dễ bị tổn thương và mức độ hoang tưởng cũng cao hơn".

Còn nhóm nghiên cứu Đại học Wrocław đưa ra giả thuyết khi một người không có thể chất cao lớn, họ phải áp đặt bản thân theo những cách khác. Các chuyên gia đã khảo sát 367 người đàn ông và tìm kiếm bằng chứng về bệnh thái nhân cách (sự thiếu đồng cảm và hành vi chống đối), chứng tự ái và chủ nghĩa thao túng. Đây là ba yếu tố tạo nên đặc điểm tính cách của "Bộ ba đen tối", liên quan đến xu hướng gây hấn ở người thấp bé.

Nhóm chuyên gia tin rằng những người thấp hơn không chỉ tức giận vì họ thấp, mà còn có xu hướng "tiến hóa" sự tức giận để bù đắp cho việc bị thiệt thòi thể chất. Hội chứng này là một phần của tâm lý học tiến hóa, khi trong tự nhiên, những cá nhân thấp bé cần gây ra nhiều tiếng ồn và hành động hung hăng hơn để cạnh tranh lấy thức ăn và bạn tình. Thực tế cho thấy, những sinh vật nhỏ hơn cũng thường tấn công trước.

Tuy nhiên, trong giới khoa học vẫn còn tồn tại nhiều tranh cãi xung quanh hội chứng người lùn. Trước đó, năm 2007, nghiên cứu bởi Đại học Central Lancashire cho thấy phức cảm Napoleon có thể là điều hoang đường. Nghiên cứu khám phá ra những người đàn ông thấp (dưới 1,65 m) ít có khả năng nổi nóng so với những người đàn ông có chiều cao trung bình. Nói cách khác, không có mối tương quan giữa chiều cao và tính xung hấn.

Doãn Hùng (Theo Daily Mail, The Independent)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022