Bác sĩ cắt bỏ khối u cho bệnh nhi. Ảnh: BVCC
Bệnh nhi 15 tuổi, phát hiện u vú bên phải hơn một năm. Khối u không đau nhưng lớn nhanh làm vú bên phải to gấp đôi bên trái.
Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, gia đình không đưa bệnh nhi đi khám được. Đến khi khối u to quá cỡ, gây hạn chế sinh hoạt, vận động và thẩm mỹ, lo sợ u ác tính và nguy hiểm tính mạng nên bệnh nhi được gia đình đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 2 khám và điều trị.
Tại bệnh viện, bệnh nhi được siêu âm vú, phát hiện u vú phải kích thước 15 cm, u dạng đặc, ranh giới rõ, nghĩ nhiều tới u sợi tuyến vú. Bệnh nhi được hội chẩn và quyết định phẫu thuật cắt u.
ThS.BS Lê Thọ Đức đã tiến hành phẫu thuật cắt u với đường mổ dấu sẹo. Hơn một giờ thực hiện, bác sĩ Đức đã cắt trọn u và khâu thẩm mỹ vết mổ. Bệnh nhi tỉnh ngay sau đó, được về lại khoa, ăn uống bình thường và xuất viện vào ngày hôm sau.
Bác sĩ Đức cho biết: Đối với u sợi tuyến vú sau phẫu thuật, bệnh nhi nên hạn chế hoạt động gắng sức từ 6 đến 8 tuần, đồng thời mặc áo ép hoặc áo lót thể thao trong cùng thời gian để giảm thiểu sưng và đau.
Theo bác sĩ Đức, u sợi tuyến vú là u lành tính, có ở một bên hay cả bên ngực. U phát triển từ từ không có triệu chứng, đôi khi có thể gây đau hoặc không. Với trường hợp u sợi tuyến vú khổng lồ ở bệnh nhân này thì rất hiếm gặp. Có thể nhầm lẫn giữa u sợi khổng lồ và phì đại tuyến vú ở trẻ vị thành niên, tuy nhiên phì đại ở trẻ vị thành niên thường là hai bên vú.
Bên cạnh đó, chẩn đoán u sợi tuyến vú ở trẻ em chủ yếu là siêu âm, đây là phương pháp cận lâm sàng đơn giản, không xâm lấn, thuận tiện, dễ phát hiện và hiệu quả. Ngoài ra có thể sinh thiết u, MRI, CT, tất cả các cận lâm sàng này ít sử dụng để chẩn đoán bệnh lý này ở trẻ em.
U sợi tuyến vú nhỏ có thể theo dõi, tuy nhiên u gây đau, u phát triển nhanh gây lo lắng và ảnh hưởng tới thẩm mỹ cần sớm tiến hành phẫu thuật cắt bỏ. Việc chẩn đoán sớm, u nhỏ đường mổ sẽ nhỏ, đảm bảo tính thẩm mỹ, không để lại sẹo hay phải tạo hình vú sau phẫu thuật.