Ngày 7/11, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị hai bệnh viện Bạch Mai và K tiếp tục thực hiện tự chủ theo Nghị quyết số 33.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nêu rõ, để có căn cứ đề xuất, bổ sung nội dung quy định về tự chủ bệnh viện công lập trong dự thảo Luật Khám chữa bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế chủ trì cùng các bộ, ngành, cơ quan tổng kết, đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện Nghị quyết số 33.

Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu báo cáo rõ nguyên nhân chưa thực hiện thí điểm tự chủ của Bệnh viện Việt Đức và Chợ Rẫy; làm rõ bài học kinh nghiệm, chỉ rõ tồn tại, hạn chế, vướng mắc cần khắc phục, điều chỉnh.

Bộ Y tế tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến các bộ, ngành đối với nội dung đánh giá nêu trên, khẩn trương hoàn thiện báo cáo, trình Chính phủ trước ngày 25/11.

1-6976-1667827678.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=7TpABfRSbaWyNKS8f7iO0w

Người bệnh điều trị tại Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Giang Huy

Hình thức tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33 được Bộ Y tế triển khai thí điểm từ tháng 5/2019, với kỳ vọng tạo đà bứt phá, giúp các bệnh viện được trao quyền nhiều hơn, thực hiện mô hình hoạt động như doanh nghiệp, không dùng đến ngân sách. 4 bệnh viện được được lựa chọn gồm Bạch Mai, K, Việt Đức và Chợ Rẫy, nhưng chỉ có Bạch Mai và K tham gia thí điểm.

Sau hai năm thực hiện, mới đây, cả hai bệnh viện này xin rút khỏi danh sách tự chủ toàn diện, chỉ tiếp tục tự chủ chi thường xuyên theo Nghị định 60, bởi rất nhiều khó khăn nảy sinh trong quá trình thực hiện.

Cụ thể, hai năm qua, Bệnh viện K không đủ kinh phí để mua sắm trang thiết bị mới, cũng chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về vay và huy động vốn nên đơn vị không dám thực hiện. Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, nguồn thu sụt giảm mạnh, đơn vị kiệt quệ tài chính, không có ngân sách mua sắm máy móc mới dù đang thiếu trầm trọng.

Theo người đứng đầu hai đơn vị, tự chủ toàn diện thất bại cũng xuất phát từ giá viện phí chưa được tính đúng, tính đủ; giá viện phí theo bảo hiểm đã lạc hậu nhiều năm nay; cơ chế chính sách chưa đồng bộ, thiếu các hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện. Trong đó, Nghị quyết 33 quy định được tự quyết định giá dịch vụ y tế, dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu theo khung giá của Bộ Y tế ban hành. Tuy nhiên, đến nay Bộ vẫn chưa ban hành khung giá.

Ngành y tế Việt Nam thực hiện lộ trình chuyển đổi sang cơ chế tự chủ tài chính trong 20 năm qua, khởi đầu bằng Nghị định 10 và trải qua nhiều lần điều chỉnh với mức chủ động ngày càng cao. Đến năm 2018, tất cả bệnh viện công trên cả nước đã thực hiện tự chủ ở những mức độ khác nhau.

Năm ngoái, Chính phủ ban hành Nghị định 60, các bệnh viện chia thành 4 nhóm tự chủ, gồm: nhóm 1 tự chủ toàn diện; nhóm 2 tự chủ chi thường xuyên; nhóm 3 tự chủ một phần chi thường xuyên; nhóm 4 nhà nước đảm bảo 100% chi thường xuyên.

Hầu hết bệnh viện Việt Nam đang tự chủ theo hình thức đảm bảo toàn bộ hoạt động chi thường xuyên hoặc một phần chi thường xuyên (còn chi đầu tư vẫn do ngân sách nhà nước lo). Hai bệnh viện thí điểm tự chủ toàn diện gồm Bạch Mai và K, tự lo tất cả về tài chính, nhân sự, đầu tư phát triển..., tức ngân sách nhà nước không còn phải chi.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022