Phát biểu tại hội nghị "Đề xuất mở rộng phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế về vấn đề chẩn đoán, điều trị sớm cho một số bệnh trong dự án luật bảo hiểm y tế sửa đổi" được tổ chức ngày 8/9 tại Hà Nội, Giáo sư, tiến sĩ Quốc Huy cho rằng trong các phương pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung, xét nghiệm HPV DNA có nhiều ưu thế để sàng lọc diện rộng.
Cụ thể, Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Vũ Quốc Huy đã chỉ ra xét nghiệm bằng phương pháp HPV DNA có độ nhạy cao hơn phương pháp tế bào học trong việc phát hiện tổn thương từ CIN 3 trở lên, phù hợp để trở thành xét nghiệm sàng lọc đầu tay cho ung thư cổ tử cung. Ngoài ra, phương pháp HPV DNA có thể có giá thành cao, nhưng tính trên tần suất xét nghiệm 5 năm/lần so với phương pháp tế bào học thực hiện mỗi 1-3 năm/lần thì tổng chi phí bỏ ra cho phương pháp này vẫn thấp hơn.
Các phương pháp xét nghiệm ung tử cổ tử cung tại Việt Nam. Ảnh: Trích từ báo cáo của GS Nguyễn Vũ Quốc Huy
Các hướng dẫn cập nhật của Hiệp hội Ung thư Mỹ (2020), Hiệp hội Sản phụ khoa Mỹ (2021) và Tổ chức Y tế Thế giới (2021) đều khuyến cáo ưu tiên sử dụng xét nghiệm HPV DNA đầu tay đơn lẻ với khoảng cách sàng lọc 5 năm một lần, cùng với que tăm bông tự lấy mẫu để gia tăng độ phủ sàng lọc. Nhiều nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC) triển khai thành công chương trình sàng lọc quốc gia như Thái Lan, Australia, Singapore... Các nước này hầu hết đều sử dụng xét nghiệm HPV DNA đầu tay đơn lẻ, hoặc đang được chuyển đổi sang phương pháp này từ các phương pháp khác như tế bào học.
GS. TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy chia sẻ về các chương trình sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng HPV đầu tay đơn lẻ tại APAC. Ảnh: Roche
Tại Việt Nam, trong những năm qua đã có sự chuẩn bị cho chương trình sàng lọc quốc gia, như chương trình thí điểm giai đoạn 2019-2025. Các hướng dẫn dự phòng và sàng lọc ung thư cổ tử cung đang trong quá trình cập nhật phù hợp với xu hướng trong khu vực và trên thế giới. Ngoài ra, mắt xích cần thiết của chương trình là hệ thống ghi nhận sàng lọc ung thư mà gần đây đã được khảo sát để triển khai, có thể được tích hợp với hệ thống quản lý dữ liệu y tế sẵn có.
Từ phần trình bày này, Giáo sư Huy đã đề xuất quỹ bảo hiểm y tế hoặc ngân sách nhà nước xem xét chi trả cho xét nghiệm chẩn đoán, phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, khuyến cáo sử dụng phương pháp HPV DNA là kỹ thuật sàng lọc đầu tay. Hiệu quả và tốt nhất là có được một chương trình sàng lọc cộng đồng cho phụ nữ trong độ tuổi từ 25-65.
Ngoài Giáo sư Huy, sự kiện còn có sự tham gia của Tiến sĩ Ong Thế Duệ - Phó trưởng khoa Tài chính y tế và Đánh giá công nghệ y tế, Viện chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế) cùng tiếng nói của các chuyên gia đến từ các hiệp hội, tổ chức uy tín trong và ngoài nước. Nội dung chia sẻ nhằm cung cấp cơ sở khoa học và bằng chứng để Bộ Y tế đánh giá, nghiên cứu, xây dựng luật bảo hiểm y tế sửa đổi, đảm bảo sự cân bằng giữa quyền lợi của người thụ hưởng và nguồn tài chính của quỹ bảo hiểm y tế.
So sánh hiệu quả của hai phương pháp xét nghiệm. Ảnh: Trích từ bài báo cáo của Tiến sĩ Ong Thế Duệ
Tiến sĩ Ong Thế Duệ - Phó trưởng khoa Tài Chính y tế và Đánh giá công nghệ y tế, Viện chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế) cũng chỉ ra rằng bằng chứng từ các nghiên cứu đánh đều cho thấy phương pháp HPV DNA có hiệu quả chi phí tốt hơn xét nghiệm tế bào học, cả trên thế giới và Việt Nam. Vì vậy, nhằm giảm gánh nặng của chi phí điều trị ung thư cổ tử cung khi phát hiện bệnh ở giai đoạn trễ, quỹ bảo hiểm y tế hoặc ngân sách nhà nước xem xét chi trả hoặc đồng chi trả cho việc triển khai sàng lọc ung thư cổ tử cung định kỳ cho phụ nữ Việt Nam.
Tại Hội nghị, Thạc sĩ Trần Thị Trang - Quyền Vụ trưởng Vụ bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) cũng nhấn mạnh việc xem xét phạm vi chi trả của quỹ bảo hiểm y tế cho việc sàng lọc phát hiện ung thư cổ tử cung nói riêng và một số bệnh lý khác là rất quan trọng và có thể mang lại hiệu quả, lợi ích cao.
Theo bà Trang, ung thư cổ tử cung có thể phòng ngừa và chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm và điều trị sớm. WHO cũng xác định một chiến lược toàn cầu để đáp ứng mục tiêu này thông qua tiêm chủng, sàng lọc và điều trị. Bà viện dẫn "WHO cũng đã đưa ra bằng chứng rằng việc đáp ứng các mục tiêu loại trừ ung thư cổ tử cung sẽ tạo ra lợi ích kinh tế và xã hội đáng kể, dựa trên ước tính rằng mỗi USD đầu tư có thể mang lại khoảng 28 USD khi xem xét tác động của sức khỏe được cải thiện của phụ nữ đối với gia đình, cộng đồng và xã hội".
Hội nghị khép lại với phần thảo luận, trao đổi của các đại biểu tham dự. Qua nhiều ý kiến đóng góp, hội nghị cũng ghi nhận sự ủng hộ, đồng hành trong các đề xuất mở rộng phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế về vấn đề chẩn đoán, điều trị sớm cho một số bệnh bao gồm ung thư cổ tử cung - hướng đến việc loại bỏ hoàn toàn căn bệnh phụ khoa nguy hiểm này, mở ra một chương mới cho công tác chăm sóc sức khỏe phụ nữ tại Việt Nam.
Yên Chi