Tiến sĩ Kat Lederle, chuyên gia về giấc ngủ và tác giả cuốn Sleep Sense, nhận định lối sống ít vận động trong ngày khiến mọi người ngủ ở tư thế không phù hợp, dẫn đến cảm giác đau và khó chịu vào ban đêm.

Nằm nghiêng: Tốt hay xấu phụ thuộc vào cách nằm

Nằm nghiêng là tư thế được nhiều người lựa chọn nhất, song chưa chắc phù hợp với mọi đối tượng. Hướng nằm bên trái hoặc bên phải có thể ảnh hưởng khác nhau tùy từng tình trạng sức khỏe.

Phụ nữ mang thai và người bị trào ngược axit nên nằm nghiêng bên trái để dạ dày thấp hơn thực quản, giúp giảm triệu chứng. Ngược lại, người có bệnh tim được khuyến cáo nằm nghiêng bên phải để giảm áp lực lên tim. Khi nằm nghiêng bên trái, tim có thể bị dịch chuyển do trọng lực, ảnh hưởng đến hoạt động điện tim và cấu trúc nâng đỡ tim.

Một số bằng chứng cho thấy nằm nghiêng bên phải tốt cho não bộ. Trong khi ngủ, hệ thống glymphatic hoạt động mạnh hơn ở tư thế này, hỗ trợ loại bỏ độc tố, giảm nguy cơ mắc Alzheimer hoặc các bệnh thần kinh thoái hóa khác.

Tuy nhiên, tư thế nằm nghiêng cũng có thể dẫn đến một số hệ quả không mong muốn. Tùy vào hình dáng cơ thể, áp lực lên cột sống, vai và hông có thể phân bố không đều, khiến việc nằm nghiêng trở nên không thoải mái. Phụ nữ có thân hình đồng hồ cát dễ bị cong lưng nếu đệm quá mềm, trong khi nam giới lớn tuổi dễ bị đau vai do cơ bắp yếu đi.

Ngoài ra, việc nằm nghiêng có thể gây nếp nhăn trên mặt do da bị ép vào gối, cũng như làm chảy xệ ngực do tác động của trọng lực.

Nghiên cứu năm 2022 của Đại học Lâm nghiệp Bắc Kinh và Cao đẳng Kỹ thuật Chuyên nghiệp Thần Châu cho thấy, những người thích nằm nghiêng và không bị rối loạn giấc ngủ thường ngủ ngon hơn. Xoay trở nhiều trong khi ngủ thường đi kèm với giấc ngủ kém chất lượng.

Nghiên cứu khác công bố năm 2021 phát hiện, các tư thế làm xoắn cột sống khi ngủ có thể dẫn đến tổn thương mô và co thắt cơ, làm gia tăng triệu chứng đau và cứng khớp vào buổi sáng.

your-paragraph-text-1745911315-4877-5799-1745911584.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=XDG735mHqF_tnUo4emPT0g

Các tư thế nằm ảnh hưởng đến từng vùng của cơ thể. Ảnh: Telegraph

Nằm ngửa: Tốt cho cột sống, xấu cho người ngưng thở khi ngủ

Nằm ngửa giúp duy trì đường cong tự nhiên của cột sống, đặc biệt nếu có gối kê dưới đầu gối. Đây là tư thế lý tưởng cho người bị đau lưng hoặc đau cổ và có thể giảm thiểu nếp nhăn trên mặt. Ngoài ra, tư thế này cũng được khuyến khích sau phẫu thuật.

Tuy nhiên, nằm ngửa lại không phù hợp với người bị ngưng thở khi ngủ. Khi nằm ngửa, các mô mềm ở phía sau cổ họng dễ sập xuống, gây ngáy và cản trở hô hấp. Tình trạng này có thể kéo theo nhiều hệ lụy sức khỏe như mệt mỏi ban ngày, nguy cơ tiểu đường, bệnh tim và tai nạn giao thông do buồn ngủ.

Một số người chọn cách ngủ trong tư thế nâng cao phần thân trên để giảm tình trạng ngưng thở khi ngủ.

Nằm sấp: Tư thế tiềm ẩn nhiều rủi ro

Dù có thể giúp giảm ngáy, nằm sấp lại là tư thế dễ gây căng thẳng lên cổ và lưng. Việc xoay cổ sang một bên trong thời gian dài khiến cổ bị mỏi, cột sống dễ cong vẹo. Áp lực trực tiếp lên mặt cũng góp phần hình thành nếp nhăn.

Để giảm thiểu tác hại, người có thói quen nằm sấp nên dùng gối mỏng hoặc không dùng gối, đồng thời kê thêm một gối dưới xương chậu để hỗ trợ lưng dưới.

Cách điều chỉnh tư thế ngủ an toàn

Việc thay đổi tư thế ngủ nên được thực hiện từ từ. Nếu muốn chuyển từ nằm ngửa sang nằm nghiêng, có thể bắt đầu bằng việc duy trì tư thế nghiêng trong 5 phút mỗi đêm, sau đó tăng dần thời gian để cơ thể thích nghi. Một số phụ kiện như gối kê đầu, gối giữa hai gối chân hoặc gối ôm có thể hỗ trợ việc giữ tư thế phù hợp trong đêm.

Chọn tư thế ngủ phù hợp giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ và góp phần duy trì sức khỏe lâu dài. Trong số các tư thế, nằm nghiêng sai cách hoặc tư thế nằm xoắn hông được xem là dễ gây hại nhất, đặc biệt khi kéo dài trong nhiều giờ mỗi đêm mà không có gối, đệm.

Thục Linh (Theo Telegraph)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022