Ngày 18/7, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP (TP.HCM) cho biết, chỉ trong 2 tuần, bệnh viện đã cứu sống 5 trường hợp trẻ dư cân bị sốc sốt xuất huyết nặng, gặp các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan, suy đa cơ quan.
Bệnh nhi nặng 72kg điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố. Ảnh: BVCC
Trường hợp nguy kịch nhất là bé gái 4 tuổi, nặng 22 kg (ở huyện Hóc Môn). Bệnh nhi được chuyển cấp cứu từ bệnh viện địa phương, trong tình trạng đã vào sốc sốt xuất huyết (giai đoạn nặng).
Dù được truyền dịch chống sốc ban đầu, song bệnh vẫn diễn tiến nặng. Trẻ suy hô hấp, xuất huyết tiêu hóa, máu cô đặc, sốc kéo dài làm tổn thương gan thận, suy đa cơ quan. Các bác sĩ đã thực hiện nhiều biện pháp chống sốc tích cực, như thở máy, lọc máu giúp các cơ quan hồi phục.
2 nam bệnh nhi khác, cùng 11 tuổi, sốc kéo dài, truyền cao phân tử HES 130.000 dalton không đáp ứng, đã phải truyền phối hợp thêm thuốc Albumin 10% mới thoát sốc. Hiện, cả 2 trẻ đã thoát nguy hiểm, dần hồi phục.
Trường hợp thứ ba là bé trai 5 tuổi, cân nặng 20kg (ở Long An). Bé có bệnh sử sốt 4 ngày, ngày thứ 5 vào sốc và được đưa tới nhập bệnh viện địa phương trong tình trạng sốc sâu. Bé đã được bệnh viện địa phương truyền dịch chống sốc theo phác đồ, sau đó chuyển Bệnh viện Nhi đồng TP trong tình trạng sốc kéo dài, suy hô hấp, rối loạn đông máu, tổn thương gan.
Các bác sĩ đã nhanh chóng truyền dịch chống sốc, hỗ trợ hô hấp thở máy, chọc dò dẫn lưu màng bụng giải áp, truyền máu và chế phẩm máu, điều trị hỗ trợ gan, điều chỉnh toan máu. Kết quả sau hơn 1 tuần điều trị, tình trạng của M. đã cải thiện dần và được cai máy thở.
Một bé gái 4 tuổi khác, cân nặng 22kg (bình thường ở lứa tuổi này khoảng 16-18kg), sống tại TP.HCM. Trẻ sốt cao liên tục trong 4 ngày đầu. Đến ngày thứ 5 em hết sốt nhưng ói ra dịch lợn cơn nâu, mệt, tay chân lạnh nên nhập viện địa phương trong tình trạng mạch nhẹ, khó bắt, huyết áp khó đo.
Nhiều trẻ em mắc sốt xuất huyết phải nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng TP.
Tại Bệnh viện Nhi đồng TP, trẻ vẫn sốc sâu, suy hô hấp, xuất huyết tiêu hóa, tiêu phân đen, được truyền dịch chống sốc, hỗ trợ hô hấp. Tình trạng sốc kéo dài, tổn thương gan thận nặng, suy đa cơ quan. Bệnh nhi phải lọc máu liên tục 3 chu kỳ.
Kết quả sau hơn 2 tuần điều trị, tình trạng trẻ cải thiện dần, chức năng gan thận trở về bình thường và cai được máy thở.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, tại Bệnh viện Nhi đồng TP hiện có hơn 100 trẻ sốt xuất huyết nhập viện điều trị, trong đó khoảng 15% là trẻ thừa cân, béo phì. Tỷ lệ này tương tự như những năm trước. Cùng kỳ năm ngoái, cơ sở này cũng điều trị 5 trẻ thừa cân sốc sốt xuất huyết.
Những trường hợp trẻ dư cân béo phì, khi cơ thể bị sốt xuất huyết Dengue tấn công sẽ có phản ứng nhiều hơn và mạnh hơn so với những trẻ bình thường khác. Một trong những phản ứng đó chính là trẻ dễ sốc, sốc nặng và gặp nhiều biến chứng nguy hiểm.
Quá trình điều trị sốt xuất huyết ở trẻ béo phì cũng khó khăn hơn so với trẻ có cân nặng bình thường hay trẻ suy dinh dưỡng. Khi bị sốt xuất huyết, trẻ sẽ thất thoát huyết tương nhiều dẫn tới tình trạng sốc. Trường hợp đã xảy ra sốc thì ngay cả trên những trẻ bình thường quá trình điều trị cũng rất khó khăn. Trong khi đó, trẻ bị dư cân sẽ dễ bị khó thở, suy hô hấp khiến cho quá trình điều trị sẽ càng khó khăn hơn.
Trước tình trạng hàng loạt trẻ nhập viện trong tình trạng sốc do mắc sốt xuất huyết, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP khuyến cáo phụ huynh cần theo dõi trẻ cẩn thận để có thể phát hiện sớm các biểu hiện của bệnh. Khi trẻ sốt cao trên 2 ngày kèm với các dấu hiệu như quấy khóc; bứt rứt; đau bụng; chảy máu cam, răng, ói ra máu; tiêu phân đen; tay chân lạnh; bỏ ăn... thì không được chủ quan mà cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế kịp thời.
Hiện nay sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc đặc trị cho nên biện pháp phòng bệnh an toàn, hiệu quả nhất đó chính là thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, diệt muỗi kết hợp với ngủ mùng.