Khi đi khám, nhiều người có thói quen nói dối bác sĩ về tiền sử bệnh trạng, thói quen sinh hoạt vì nhiều lý do. Các chuyên gia cho biết đây là một trong những sai lầm thường gặp của các bệnh nhân, khiến việc chẩn đoán và chăm sóc chuyên sâu trở nên khó khăn hơn.

Tiến sĩ Caesar Djavaherian, Giám đốc Trung tâm Y tế Carbon Health cho biết chỉ một lời nói dối nhỏ nhặt, tưởng chừng vô hại cũng có thể ảnh hưởng lâu dài, khiến bác sĩ bỏ qua các dấu hiệu của bệnh tật. Ông chỉ ra một số điều các bệnh nhân không nên giấu giếm bác sĩ.

Tiền sử phẫu thuật

Tiến sĩ Djavaherian cho biết người bệnh cần khai báo đầy đủ, chi tiết về các ca phẫu thuật đã thực hiện trong quá khứ, dù đó chỉ là thủ thuật y tế nhỏ như mổ ruột thừa, thắt ống dẫn trứng.

"Nếu các bạn đã từng bị biến chứng khi gây mê trong quá trình phẫu thuật, bạn cần cho bác sĩ biết ngay về điều này", ông nói thêm.

Theo tiến sĩ Gaspere Geraci, Giám đốc y tế tại AmeriHealth Caritas, bất cứ cuộc phẫu thuật nào cũng có thể ảnh hưởng đến phác đồ điều trị hoặc các triệu chứng trong tương lai. "Ví dụ, bạn đã cắt túi ruột thừa cách đây 30 năm, hiện đang bị đau, bác sĩ hoặc trung tâm chăm sóc sức khỏe của bạn cần biết điều đó", ông nói.

Geraci giải thích, ngay cả những ca phẫu thuật nhỏ, chẳng hạn cắt khối u và chọc hút mụn mủ trên da cũng rất quan trọng đối với bác sĩ, có thể là căn nguyên của vấn đề lớn hơn mà bệnh nhân đang đối mặt.

Lịch sử mang thai

Các chuyên gia cũng cho biết bệnh nhân cần trao đổi thẳng thắn với bác sĩ về tình trạng mang thai, tiền sử phá thai, sảy thai hoặc đơn giản là kinh nguyệt không đều. Điều này giúp bác sĩ chẩn bệnh hiệu quả và ước đoán khả năng mang thai thành công ở phụ nữ.

"Kinh nguyệt không đều trong vòng một vài tháng sau khi sảy thai hoặc phá thai là điều bình thường, không ngạc nhiên. Nhưng nếu bạn chưa từng mang thai và không bị hành kinh thường xuyên, đó là dấu hiệu đáng lo ngại", tiến sĩ Djavaherian nói thêm.

Bên cạnh đó, kinh nguyệt không đều cũng là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề khác, tưởng chừng không liên quan. Việc trung thực với bác sĩ khiến quá trình chẩn đoán trở nên chính xác hơn.

Tuổi tác và tiền sử sức khỏe gia đình

Tuổi tác có thể là yếu tố giúp xác định phương pháp điều trị các bệnh nhân, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh. "Cả độ tuổi và tiền sử bệnh tật của gia đình rất quan trọng để đưa ra quyết định xem bệnh nhân có nên nội soi hay không, hoặc người nào nên tiêm phòng cúm", tiến sĩ Geraci nói.

Các gia đình có chung nhiều yếu tố như gene, lối sống, môi trường sống. Đây có thể là manh mối chỉ ra các vấn đề sức khỏe tồn tại xuyên suốt nhiều thế hệ. Biết được tiền sử bệnh lý của các gia đình, bác sĩ có thể chẩn đoán nguy cơ mắc các bệnh cụ thể của từng thành viên và các thế hệ sau.

doctor-man-consulting-patient-8084-1733-1658116477.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=jVTR_BAYGXm9ynQQVhTtlA

Các chuyên gia cho biết tuổi tác và lịch sử bệnh lý của gia đình là yếu tố quan trọng giúp chẩn đoán về các bệnh tiềm ẩn. Ảnh: Freepik

Sức khỏe và thói quen quan hệ tình dục

Đối với một số người, việc trò chuyện cởi mở và trung thực về đời sống tình dục với các bác sĩ có thể là điều khó khăn. Tuy nhiên, điều này rất quan trọng trong việc chẩn đoán, kê đơn và quyết định phác đồ điều trị. Các chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân không nên giấu giếm hoặc nói dối về các bệnh lây truyền qua đường tình dục, thói quen quan hệ không an toàn hoặc bất cứ hoạt động tình dục bất thường nào của bản thân.

"Dù đây là những điều rất tế nhị và riêng tư, nó vẫn là một khía cạnh trong cuộc sống mà chúng ta nên thẳng thắn chia sẻ với bác sĩ. Lịch sử tình dục không chỉ góp phần gây nên các bệnh tiềm ẩn hiện tại, nó còn là yếu tố nguy cơ đối với một số loại bệnh trong tương lai, bao gồm ung thư", tiến sĩ Geraci cho biết.

Bác sĩ có thể giúp bệnh nhân đưa ra quyết định sáng suốt về sức khỏe tổng thể, trong đó có sức khỏe sinh sản, lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp và điều trị các vấn đề khó nói.

Thói quen dùng thuốc

Một số người có thói quen bỏ dở liều kháng sinh vì các triệu chứng đã giảm, hoặc đang sử dụng thuốc chống trầm cảm và gặp tác dụng phụ mà không cho ai biết. Số khác thường xuyên quên lấy thuốc đúng thời gian hoặc đơn giản là quên uống thuốc theo lịch hàng ngày.

Các chuyên gia khuyến cáo chia sẻ trung thực về những điều này, đặc biệt là liều lượng và tần suất sử dụng thuốc.

"Bạn cần thẳng thắn chia sẻ với bác sĩ về các thuốc đang dùng, bởi phản ứng phụ hoặc tương tác của một số loại thuốc có thể đe dọa đến tính mạng. Ví dụ, thuốc chống trầm cảm hoặc kháng sinh dùng chung có thể cản trở quá trình trao đổi chất, gây ra các biến chứng", Djavaherian nói.

Điều này tương tự với các loại vitamin, chất bổ trợ và những thuốc bổ không kê đơn, có thể mua dễ dàng tại hiệu thuốc.

Thói quen uống rượu bia, thuốc lá và sử dụng chất kích thích

Theo WebMD, chỉ khoảng 16% bệnh nhân thẳng thắn đề cập đến việc uống rượu bia, hút thuốc và dùng các chất kích thích. Một số người sợ bác sĩ đánh giá hoặc có thái độ kỳ thị. Số khác cho rằng những điều này "không quá quan trọng hoặc không phải việc của bác sĩ".

Tuy nhiên, tiến sĩ Geraci cho biết các bác sĩ hoặc chuyên gia y tế cần nắm rõ những thông tin về thói quen dùng chất kích thích của bệnh nhân.

"Việc che giấu các thói quen đó có thể khiến bệnh trạng của bạn trở nên nghiêm trọng hơn. Từ các thông tin đó, bác sĩ có thể đoán biết được những vấn đề mà bạn chưa từng nghĩ đến và chăm sóc cho bạn một cách toàn diện hơn", tiến sĩ Geraci nói thêm.

Thói quen cá nhân là dấu hiệu của các loại bệnh nguy hiểm như đau tim, đột quỵ, rối loạn cương dương.

Thục Linh (Theo Insider)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022