Ngày 4/4, đại điện Cục Phòng bệnh cho biết như trên, thêm rằng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Âu đang liên hệ với cơ quan y tế Nga để làm rõ thêm thông tin.

Vi khuẩn Mycoplasma gây nhiễm trùng đường hô hấp làm tổn thương niêm mạc đường hô hấp (gồm cả họng, khí quản và phổi). Bệnh lây truyền từ người sang người qua các giọt dịch tiết nhỏ chứa vi khuẩn do ho, hắt hơi, có thể được điều trị bằng kháng sinh.

Trước đó, ngày 31/3, Nga ghi nhận một loại bệnh bí ẩn, gây sốt và ho ra máu, xuất hiện tại nhiều khu vực trong tuần cuối tháng 3. Ban đầu bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, đau người, suy nhược như các bệnh lý thông thường theo mùa. Tuy nhiên, sau 3 đến 4 ngày, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng sốt cao 39 độ C, ho dữ dội đến mức chảy nước mắt và đờm có lẫn máu, mệt mỏi phải nằm liệt giường. Nhiều bệnh nhân có xét nghiệm âm tính với Covid-19 và cúm. Chưa xác định tác nhân gây bệnh mới trên những trường hợp này.

Cơ quan giám sát sức khỏe người tiêu dùng Nga Rospotrebnadzor cho hay họ đã điều tra dịch tễ học, phân tích cấu trúc gene loại virus này, kết quả cho thấy không xuất hiện đột biến hay virus mới. Giáo sư Vladimir Chulanov, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Bộ Y tế Nga, cũng phủ nhận thông tin cho rằng loại virus bí ẩn khiến người bệnh sốt cao, ho ra máu "là virus mới". Hiện, giới chức y tế tiếp tục điều tra dịch tễ, chưa công bố chính thức về nguồn gốc căn bệnh.

anh-chup-man-hinh-2025-04-04-l-3829-9608-1743729760.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ZVM_S2-cl3zk6nsFVmBpNg

Virus bí ẩn có thể gây ho ra máu cho bệnh nhân đang lây lan ở Nga. Ảnh: Helsinki Times

Tại Việt Nam, nhiều bệnh viện cũng từng ghi nhận các bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Mycoplasma. Hồi tháng 7/2023, khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nhiều trẻ nhiễm vi khuẩn này. Mycoplasma còn gọi "vi khuẩn không điển hình" - kháng thuốc, tác nhân gây viêm phổi ở trẻ em.

Điều trị viêm phổi do Mycosplasma rất khó khăn. Thuốc kháng sinh là liệu pháp điều trị, tuy nhiên vi khuẩn này không có thành tế bào, do đó có khả năng kháng kháng sinh. Vì vậy, đa phần bệnh nhân không đáp ứng điều trị với các kháng sinh thông thường. Một số ca biến chứng nặng hoặc nhiễm thể Mycoplasma kháng thuốc phải điều trị đặc hiệu.

Các biến chứng nghiêm trọng thường không phổ biến, nhưng có thể dẫn đến tử vong, gồm viêm phổi nặng, khởi phát đợt cấp của hen phế quản, viêm não, thiếu máu tan máu, suy thận, hội chứng Stevens-Johnson...

Vi khuẩn này cũng có thể gây các bệnh ngoài phổi và nhiễm trùng đường hô hấp như xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch, viêm gan cấp tính, thiếu máu tan máu tự miễn, viêm khớp và viêm tủy.

Nhiễm khuẩn Mycoplasma phổ biến nhất ở thanh thiếu niên tuổi đi học. Trẻ sống và học tập trong môi trường đông đúc có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Vi khuẩn lây truyền qua các giọt nhỏ trong không khí, tiếp xúc gần. Vì vậy, cách phòng ngừa bệnh hiệu quả là đeo khẩu trang. Hiện chưa có vaccine phòng bệnh do Mycoplasma.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022