GĐXH - Biểu hiện rõ rệt của triệu chứng này là chị em thường thấy mệt mỏi, ngủ không sâu giấc và hay giật mình thức giấc giữa đêm.
Mặc dù phát hiện u xơ tử cung từ 2 năm trước nhưng chị H (49 tuổi, trú tại xã Đồng Lạc, Yên Lập, Phú Thọ) không điều trị. Nhiều tháng gần đây, chị bị rối loạn kinh nguyệt, lượng máu kinh ra nhiều và kéo dài. Đến khi mệt mỏi, da xanh, đi khám được xác định thiếu máu nặng, bệnh nhân mới quyết định nhập viện điều trị.
Sau thăm khám, bác sĩ cho biết bệnh nhân có u xơ tử cung kích thước 49*57mm, xét nghiệm chỉ số hemoglobin (HGB) và thể tích khối hồng cầu (HCT) giảm sâu, được chẩn đoán u xơ tử cung/thiếu máu nặng.
Sáng 17/10, sau khi được truyền 04 đơn vị máu, bệnh nhân được phẫu thuật cắt tử cung hoàn toàn. Nhờ được loại bỏ nguyên nhân gây mất máu và bù máu, dinh dưỡng nên bệnh nhân tiến triển tốt, da niêm mạc hồng hào hơn, các chỉ số xét nghiệm cải thiện rõ rệt, dự kiến ra viện trong vài ngày tới.
Bác sĩ cho biết thêm, thời gian gần đây, Khoa CSSKSS phẫu thuật cho nhiều bệnh nhân u xơ tử cung, trong đó bệnh nhân bị thiếu máu nặng không hề hiếm gặp, hầu hết những trường hợp này đều biết mình có u xơ tử cung từ trước nhưng vì sợ phẫu thuật nên không đến viện, dẫn đến tình trạng ra máu kéo dài gây thiếu máu.
Bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân bị u xơ tử cung có chỉ định phẫu thuật không cần quá lo lắng, bởi hiện nay, các phương pháp như phẫu thuật nội soi, phẫu thuật mở, phẫu thuật crossen (với bệnh nhân sa sinh dục)... mang lại hiệu quả điều trị cao. Bên cạnh đó, với các phương pháp chống đau hiệu quả như giảm đau ngoài màng cứng, giảm đau đa mô thức... giúp người bệnh trải qua các cơn đau trong và sau mổ một cách nhẹ nhàng. Vì vậy, bệnh nhân nếu phát hiện u xơ tử cung cần được thường xuyên thăm khám để có giải pháp điều trị kịp thời.
Ai có nguy cơ bị u xơ cổ tử cung?
U xơ tử cung là tình trạng phổ biến mà nhiều chị em gặp phải trong cuộc đời. Dù nguyên nhân dẫn đến bệnh vẫn chưa được xác định rõ nhưng một số đối tượng có các yếu tố dưới đây được cho là có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường:
Tuổi tác: U xơ trở nên phổ biến hơn khi phụ nữ trưởng thành đặc biệt là ở độ tuổi 30, 40 và đến tuổi mãn kinh. Sau khi mãn kinh, u xơ ít hình thành hơn, hoặc nếu trước đó có u xơ thì khối u có xu hướng nhỏ dần.
Tiền sử gia đình: Nếu gia đình có thành viên bị u xơ tử cung thì có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Nếu người mẹ bị u xơ tử cung, nguy cơ mắc phải của con gái sẽ cao hơn 3 lần so với mức trung bình.
Nguồn gốc dân tộc: Theo nghiên cứu phụ nữ Mỹ gốc Phi có nhiều khả năng bị nhân xơ tử cung cao hơn so với phụ nữ ở các sắc tộc khác.
Béo phì: Phụ nữ thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Đặc biệt đối với những phụ nữ quá nặng cân, nguy cơ này cao hơn mức trung bình từ hai đến ba lần.
Bệnh viện Hồng Ngọc vừa phẫu thuật thành công một ca ung thư cổ tử cung cho nữ bệnh nhân 39 tuổi. Căn bệnh này có những dấu hiệu dễ nhận biết và điển hình nhưng nhiều chị em vì e ngại và chủ quan thăm khám sớm, dẫn đến bệnh diễn biến nặng và khó điều trị.