Hàng năm, nhóm công tác về môi trường EWG (Mỹ) sẽ tiến hành phân tích dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) để công bố danh sách Dirty Dozen (loại rau củ quả chứa nhiều thuốc trừ sâu) và Clean Fifteen (loại rau củ ít hoặc không có thuốc trừ sâu/chất độc và thường được coi là an toàn để tiêu thụ ở dạng phi hữu cơ).
Thông thường, các nhà khoa học sẽ tiến hành phân tích dữ liệu thử nghiệm trên khoảng 47.000 mẫu của 46 loại trái cây và rau củ. Họ sẽ rửa, gọt vỏ trái cây, rau củ như người tiêu dùng trước khi kiểm tra thực phẩm với 251 loại thuốc trừ sâu khác.
Sau đó, nhóm EWG dựa vào kết quả phân tích để phát hành 2 danh sách trên. Mới đây nhất, trong danh sách 15 loại rau củ quả ít/không chứa thuốc trừ sâu năm 2024, măng tây là thực phẩm được nhắc đến.
Măng tây thuộc phân khúc rau cao cấp, có nguồn gốc từ châu Âu, Bắc Phi và Tây Á. Ngày nay, nó được trồng phổ biến và sử dụng như một loại rau ăn hàng ngày.
Theo Healthline, 90g măng tây nấu chín chứa 20 calo, 2,2g chất đạm, 0,2g chất béo, 1,8g chất xơ, vitamin A, C, K, E… và các loại folate, kali, phốt pho. Với những dưỡng chất kể trên, việc bổ sung thực phẩm này vào bữa ăn hàng ngày đem đến hàng loạt lợi ích tốt cho sức khỏe.
Ngăn ngừa ung thư
Hoạt chất glutathione trong măng tây là một chất chống oxy hoá có thể giải độc. Theo Viện Ung thư quốc gia Mỹ, măng tây cung cấp hàm lượng glutathione dồi dào, có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của các gốc tự do gây bệnh ung thư trong cơ thể. Bên cạnh đó, măng tây cũng rất giàu vitamin B và folate. Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ cho thấy, vitamin B6 kết hợp với folate và methionine có thể làm giảm nguy cơ ung thư phổi.
Chưa kể, loại rau này giàu vitamin C, E và protein tăng cường khả năng kháng khuẩn, ngăn chặn những tác hại của gốc tự do đến tế bào, giúp miễn dịch khỏe hơn để chống lại ung thư.
Tốt cho sức khoẻ đường ruột
Inulin, một prebiotic trong măng tây, có lợi cho sức khỏe đường ruột. Đây là một chất xơ hoà tan có thể thúc đẩy sự cân bằng làm lành mạnh của vi khuẩn đường ruột “tốt” hoặc men vi sinh, giúp giảm đầy hơi và tiêu hoá một cách dễ dàng.
Hỗ trợ giảm cân
Măng tây không chỉ chứa ít chất béo và calo mà còn chứa nhiều chất xơ hòa tan và không hòa tan. Đây là một lựa chọn tốt nếu đang muốn giảm cân. Vì cơ thể tiêu hóa chất xơ chậm nên giúp cảm thấy no giữa các bữa ăn.
Ngăn ngừa lão hoá
Măng tây có chứa một số chất chống oxy hóa gọi là glutathione. Chất này có tác dụng bảo vệ da trước tác hại gây ra từ ánh nắng mặt trời, ngăn chặn quá trình lão hóa da ở phụ nữ trung niên. Do đó, nó là lựa chọn tốt dành cho chị em phụ nữ.
Tốt cho tim mạch
Tim mạch là 1 trong những căn bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt, sức khỏe của con người. Vì vậy những người lớn tuổi càng lo sợ về nguy cơ mắc bệnh này.
Trong măng tây, hàm lượng kali lớn có tác dụng điều hòa huyết áp. Đặc biệt, chúng còn có khả năng giảm thiểu cholesterol xấu, mang lại sức khỏe tim mạch ổn định cho con người. Ngoài ra, rutin có trong thực phẩm này còn có tác dụng chống xơ cứng động mạch, bảo vệ sức khỏe trái tim.
Tốt cho xương khớp
Măng tây có chứa phốt pho, sắt, vitamin K và canxi rất tốt cho xương khớp. Theo một đánh giá năm 2018 của tạp chí Nutrients, vitamin K có thể giúp xương chắc khỏe và ngăn ngừa loãng xương. Ngoài ra, sắt, phốt pho, kali, kẽm và magie trong măng tây là những khoáng chất giúp cho xương chắc khỏe.
Ai không nên ăn măng tây?
Măng tây có nhiều purin, hợp chất làm tăng sản xuất acid uric của cơ thể, dễ ảnh hưởng đến các tình trạng như sỏi thận và bệnh gout. Do đó, nếu bạn được khuyên nên giảm lượng purin trong chế độ ăn uống thì măng tây có thể là món ăn không phù hợp.
Nếu là người bị dị ứng với các thành phần trong cùng họ thực vật, bao gồm tỏi và hẹ thì cũng có thể bị dị ứng với măng tây.
GĐXH - Giá đỗ là loại thực phẩm có tính thanh mát, giải nhiệt và giàu khoáng chất, giàu xơ, rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, giá đỗ cũng là loại rau dễ nhiễm độc và gây tác hại với một số đối tượng người dùng.
GĐXH - Trà bạc hà, trà gừng, chuối chín... có tác dụng bù nước, dễ tiêu hóa, giúp giảm đau dạ dày.