Calo về bản chất là năng lượng, giúp duy trì sự sống dù ở trong trạng thái nào. Cơ thể luôn ở trong trạng thái tiêu hao calo. Lượng calo này gọi là tỷ lệ trao đổi chất cơ bản (BMR), bao gồm lượng calo đốt cháy qua đêm.

Tiến sĩ Ramiz Fargo, chuyên gia y học về giấc ngủ, chủ nhiệm khoa chăm sóc phổi tại Đại học Y tế Loma Linda, cho biết một người bình thường đốt trung bình 50 calo mỗi giờ trong khi ngủ. Như vậy, nếu ngủ đủ 8 tiếng, cơ thể tiêu thụ khoảng 400 calo, tương đương 85% lượng calo đốt trong khi thức và đứng yên.

Tỷ lệ trao đổi chất cơ bản và lượng calo tiêu hao khi nghỉ ngơi thay đổi dựa trên các yếu tố như tuổi tác, giới tính, di truyền, mức độ hoạt động và thể trạng sức khỏe.

Hiện tượng tiêu hao calo xảy ra bởi ngay cả khi đang ngủ, cơ thể vẫn "làm việc chăm chỉ". Theo tiến sĩ Fargo, tim, phổi, não, gan, thận và nhiều cơ quan khác vẫn hoạt động bình thường.

"Khi não và bất kỳ cơ quan nào vận hành, các tế bào của cơ quan đó vẫn cần ‘thức ăn' dưới dạng ATP, gián tiếp tạo ra từ lượng calo tiêu thụ trong chế độ ăn uống, chẳng hạn carbohydrate như glucose", tiến sĩ Rajkumar Dasgupta, chuyên gia giấc ngủ tại Keck Medicine, Đại học Nam California, cho biết.

pexels-andrea-piacquadio-37710-1176-3263-1667547911.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=hXj2s0JhjLmFLAHmkkss1g

Một người đàn ông đang ngủ. Ảnh: Pexel

Bộ não của bạn là cơ quan cần nhiều "thức ăn" dạng glucose nhất, đặc biệt là trong giai đoạn ngủ (REM). Đây là giai đoạn não bộ tạo ra những giấc mơ sống động, củng cố trí nhớ dài hạn và ngắn hạn. Ở người trưởng thành khỏe mạnh, giấc ngủ REM chiếm khoảng 20-25% tổng thời gian ngủ.

Tiến sĩ Dasgupta cho biết quá trình trao đổi chất tăng lên trong nửa sau giấc ngủ đêm. Điều này có nghĩa chỉ cần ngủ đủ 7 đến 9 tiếng như khuyến nghị, cơ thể sẽ đốt cháy nhiều calo nhất có thể.

Cải thiện chất lượng giấc ngủ cũng là cách để tiêu hao nhiều calo. Theo tiến sĩ Dasgupta, chất lượng giấc ngủ bao gồm thời lượng ngủ REM (vì đây là lúc đốt nhiều calo nhất) và số giờ ngủ.

Để có một giấc ngủ sâu, các chuyên gia khuyến nghị tạo môi trường ngủ lý tưởng, tức là giữ cho phòng ngủ ngăn nắp, sạch sẽ, yên tĩnh và đặc biệt tối. Lúc này, bộ não sản xuất melatonin để phản ứng với bóng tối. Việc thư giãn trong phòng ngủ ít ánh đèn sẽ báo hiệu cho cơ thể biết rằng đã đến giờ đi ngủ.

Mọi người cần hạn chế tiếp xúc với ánh sáng xanh trước khi đi ngủ. Việc nhìn vào màn hình điện thoại hoặc máy tính có thể ức chế sản xuất melatonin, gây mất ngủ.

Việc giữ lịch ngủ cố định cũng rất hữu ích, ngay cả trong những ngày cuối tuần. Thói quen này giúp ổn định đồng hồ sinh học của cơ thể.

Thục Linh (Theo Insider)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022