Câu chuyện được vợ ông, bà Thelma Ainsworth kể lại hôm 30/3, nhân tuần lễ nâng cao nhận thức về ung thư đường mật.
Tiến sĩ - bác sĩ Jonathan Ainsworth, 59 tuổi, bắt đầu có những triệu chứng bất thường từ đầu năm 2019, bao gồm đau dạ dày kéo dài, rối loạn tiêu hóa và sụt cân. Tuy nhiên, ông chủ quan và không đi khám ngay, tin rằng tình trạng sức khỏe của mình vẫn ổn.
Những dấu hiệu ngày càng trầm trọng hơn theo thời gian. Sau nhiều tháng trì hoãn, ông quyết định đi khám và được chỉ định chụp chiếu, phát hiện tình trạng viêm gan nghiêm trọng. Trong thời gian chờ giấy chuyển viện, ông tự xét nghiệm máu và nhận thấy có dấu hiệu bất thường.
Bà Ainsworth kể lại rằng chồng bà đã đến Bệnh viện St Mary’s, nơi các bác sĩ xác nhận ông mắc ung thư. Đến tháng 10/2019, kết quả chẩn đoán chính thức xác định ông bị ung thư ống mật, một căn bệnh hiếm gặp ảnh hưởng đến khoảng 3.000 người mỗi năm ở Anh. Do vị trí của ống mật trong cơ thể, ung thư có thể dễ dàng lan đến các cơ quan lân cận như tuyến tụy và ruột, khiến việc phát hiện sớm trở nên khó khăn.
Ung thư ống mật là một căn bệnh hiếm gặp nhưng nguy hiểm, thường tiến triển âm thầm và khó phát hiện sớm. Vì các triệu chứng ban đầu không rõ ràng, nhiều bệnh nhân chỉ được chẩn đoán khi bệnh đã vào giai đoạn muộn. Ở giai đoạn đầu, tỷ lệ sống trên 5 năm chỉ đạt khoảng 20-25%, nhưng khi ung thư lan rộng đến gan, tuyến tụy hoặc ruột, cơ hội sống sót giảm mạnh, chỉ còn 2-5%.

Bác sĩ Jonathan Ainsworth trước khi qua đời vì ung thư. Ảnh: PA Real Life
Do vị trí của ống mật nằm sâu trong cơ thể, bệnh thường không gây ra triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn sớm. Khi ung thư phát triển, người bệnh có thể gặp các dấu hiệu như đau bụng dai dẳng, rối loạn tiêu hóa, thay đổi thói quen đại tiện, vàng da, ngứa da, sốt cao và sụt cân không rõ nguyên nhân. Những triệu chứng này dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác như viêm gan hoặc rối loạn tiêu hóa thông thường, dẫn đến việc chẩn đoán bị trì hoãn. Điều này khiến ung thư có thêm thời gian phát triển và xâm lấn các cơ quan khác, làm giảm đáng kể cơ hội điều trị thành công.
Vì sự khó phát hiện của bệnh, các chuyên gia khuyến cáo những người có nguy cơ cao, đặc biệt là người có tiền sử bệnh gan mật hoặc tiếp xúc với hóa chất độc hại, nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và tăng cơ hội điều trị hiệu quả.
Bà Ainsworth cho biết, khi chồng bà được chẩn đoán, ung thư đã di căn đến nhiều cơ quan, khiến việc điều trị trở nên vô cùng khó khăn. Chỉ ba tuần sau khi nhận chẩn đoán, tiến sĩ Ainsworth qua đời, để lại vợ và hai con nhỏ.
Bà chia sẻ rằng trong nhiều tháng sau đó, bà tự trách mình vì không buộc chồng đi khám sớm hơn. "Tôi đã nghĩ rằng đó là lỗi của tôi", bà nói.
Câu chuyện của Ainsworth là lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc chú ý đến những dấu hiệu bất thường của cơ thể và không trì hoãn việc kiểm tra sức khỏe.
"Một khi bạn biết có điều gì đó không ổn, hãy đi khám càng sớm càng tốt", bà Ainsworth nhấn mạnh.
Thục Linh (Theo Daily Mail)