Ngày 17/8, bác sĩ Phùng Xuân Hách, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, cho biết bệnh nhân có nhiều cơn đau đầu kèm co giật nhẹ đến nặng. Vài tháng trước, anh co giật, méo miệng, sau đó bình thường nên không đi khám.

Gần đây, cơn co giật xuất hiện nhiều, mức độ nặng, bác sĩ bệnh viện ở địa phương nghi ngờ bị u não, tư vấn khám chuyên sâu. Kết quả chụp chiếu tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ phát hiện có nhiều tổn thương lỗ chỗ ở não, bác sĩ chẩn đoán mắc sán não.

Bệnh nhân chia sẻ có thói quen ăn rau sống và tiết canh nhiều năm nay. Bác sĩ Hách nhận định đây có thể là nguyên nhân khiến sán làm tổ.

a2918b4b2e398a67d328-172390505-4170-7055-1723905098.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=W1II7iv2AkXKsNUHAzDHxA

Tiết canh, rau sống tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật, trong đó có nhiễm ký sinh trùng. Ảnh minh hoa: Thúy Quỳnh

Bệnh sán não (còn gọi u não do ấu trùng sán dây) là bệnh lý thuộc nhóm nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, gây suy giảm trí nhớ, đau đầu, mờ mắt. Triệu chứng co giật có thể xuất hiện không báo trước và rất nguy hiểm, nhất là khi người bệnh tham gia giao thông. Bệnh phát triển âm thầm, đến khi có triệu chứng rõ rệt thì thường đã muộn. Người bệnh có thể tử vong nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Nguyên nhân nhiễm ấu trùng sán dây lợn là ăn uống không đảm bảo vệ sinh, ăn thực phẩm sống, chưa nấu chín như tiết canh, nem chạo, nem thính. Các loại rau sống nhiễm sán từ chất thải của lợn hoặc nguồn nước bẩn cũng là nguồn lây bệnh.

Bác sĩ khuyến cáo tiết canh làm từ máu sống, tiềm ẩn nhiều mầm bệnh gây tiêu chảy, tả, liên cầu khuẩn, nhiễm ấu trùng giun sán. Cần ăn chín uống sôi, vệ sinh tay trước khi ăn. Người lớn, trẻ nhỏ cần tẩy giun định kỳ 6 tháng đến một năm một lần, không ăn tiết canh, thịt lợn tái hay nội tạng kém vệ sinh, không rõ nguồn gốc. Vệ sinh môi trường, giữ gìn nơi ở, vườn tược sạch sẽ.

Thúy Quỳnh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022