Theo ThS.BS Ngô Anh Tuấn, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, để sở hữu một làn da đẹp, cần xây dựng những thói quen sinh hoạt lành mạnh và khoa học.

Dưới đây là một số gợi ý từ bác sĩ chuyên khoa da liễu:

Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì làn da khỏe mạnh. Nên tập trung vào việc bổ sung đủ các nhóm chất dinh dưỡng như vitamin và khoáng chất như vitamin C, E, A và kẽm giúp tăng cường sức đề kháng của da, chống oxy hóa và bảo vệ da khỏi tác động xấu từ môi trường.

Tăng cường chất béo thiết yếu như axit béo omega-3 từ cá hồi, hạt chia, và các loại hạt khác giúp giữ ẩm, giảm phản ứng viêm, chống oxy hóa cho da.

Đồng thời cần uống đủ nước. Nước giúp thanh lọc cơ thể và giữ cho da luôn ẩm mượt. Bổ sung đủ lượng nước khoảng 2 lít/ngày sẽ giúp làn da khỏe mạnh từ trong ra ngoài.

Chăm sóc da đúng cách

Làm sạch da bằng cách rửa mặt 2 lần mỗi ngày (sáng và tối) bằng sữa rửa mặt phù hợp với loại da giúp loại bỏ bụi bẩn, dầu thừa.

Sử dụng kem dưỡng ẩm phù hợp để duy trì độ ẩm cho da, giúp hàng rào bảo vệ da luôn được giữ vững, từ đó làm giảm mất nước ra ngoài môi trường, tăng sức đề kháng của da.

Thoa kem chống nắng hàng ngày, kể cả khi trời không nắng, để bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV - nguyên nhân chính gây lão hóa da sớm và ung thư da. Đồng thời phối hợp thêm cùng các vật dụng chống nắng khác như mũ rộng vành, áo khoác, khẩu trang bằng vải dày, tối màu để bảo vệ da tối ưu hơn.

Ngủ đủ giấc và chất lượng

Giấc ngủ có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe làn da. Thiếu ngủ có thể khiến da trông mệt mỏi, xỉn màu, làm da dễ bị nổi mụn, đặc biệt là các mụn sưng viêm.

Nên đảm bảo ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi đêm và cố gắng đi ngủ trước 23h để da có thời gian tái tạo và phục hồi.

pexels-ketut-subiyanto-4473864-5472-5258-1723525314.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=uir7PBtvsGrHRW_26DhViQ

Nên ngủ đủ giấc và trước 23h để da có thời gian tái tạo và phục hồi. Ảnh: Pexels

Hạn chế stress

Stress làm tăng nồng độ hormone cortisol trong cơ thể, gây ra hoặc làm trầm trọng hơn tình trạng viêm da và mụn. Hãy tìm cách quản lý stress qua việc tập luyện thể dục, thiền, yoga, hoặc các hoạt động thư giãn khác.

Hạn chế thói quen xấu

Không nên chạm tay vào mặt vì vi khuẩn từ tay có thể lan truyền lên mặt, gây ra mụn và viêm da.

Không tự ý sờ cạy, nặn mụn. Việc nặn mụn không đúng cách có thể gây tổn thương da, để lại sẹo và làm tình trạng mụn tệ hơn.

Hạn chế sử dụng chất kích thích. Rượu, bia, thuốc lá không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tổng thể mà còn làm giảm sức đề kháng của da, gây lão hóa sớm.

Hạn chế tiêu thụ các loại đồ ăn ngọt, chứa nhiều chất béo, các sản phẩm từ sữa động vật khi đang có mụn. Các loại thực phẩm này có thể làm tệ hơn tình trạng mụn, làm tăng tiết dầu nhờn, tăng bít tắc lỗ chân lông và làm mụn dễ bị sưng viêm hơn.

Thường xuyên vận động

Tập thể dục đều đặn giúp tăng cường tuần hoàn máu, cung cấp nhiều oxy và chất dinh dưỡng cho da, đồng thời giúp loại bỏ độc tố qua mồ hôi.

Kiểm tra da định kỳ

Việc kiểm tra da định kỳ với bác sĩ da liễu là cần thiết, đặc biệt nếu bạn gặp các vấn đề về da như mụn, dị ứng, hoặc các bệnh lý khác. Bác sĩ có thể đưa ra những lời khuyên phù hợp nhất với tình trạng da của từng cá nhân.

Mỹ Ý

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022