Hôm 21/2, báo cáo nhanh của Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh cho biết ba ngày trước, nam sinh xuất hiện mệt mỏi, đau đầu. Một ngày sau, trẻ sốt cao trên 39 độ C, khó thở, gia đình cho uống thuốc kháng sinh, hạ sốt tại nhà. Đến tối cùng ngày, bệnh nhân có biểu hiện tức ngực, khó thở, phụ huynh đưa con đi khám tại Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên.

Kết quả test nhanh tại đây cho thấy dương tính với cúm A, suy hô hấp, viêm phổi nặng, bệnh nhân được chuyển Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh.

Tại Khoa hồi sức tích cực, bệnh nhi phải đặt nội khí quản, bóp bóng, SpO2 (nồng độ oxy trong máu) 80 %, suy đa cơ quan, sốc nhiễm trùng, suy hô hấp cấp tiến triển nhanh. Các bác sĩ chẩn đoán viêm phổi nặng, nghi nhiễm cúm A.

Đến tối, tình trạng trẻ chuyển biến xấu, SpO2 không đo được, không bắt được mạch, hôn mê sâu. Gia đình xin đưa bệnh nhân về nhà, trẻ tử vong sáng 20/2.

Bệnh viện Sản Nhi gửi mẫu bệnh phẩm về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để thực hiện xét nghiệm chẩn đoán chính xác tác nhân cúm, chưa có kết luận chính thức.

h5n1-hero-1740103714-7878-1740106682.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=u26fgUV3_Bv72cfcsIJDgA

Cúm mùa là bệnh hàng năm, trong đó cúm A thường gặp và gây nhiều biến chứng nhất. Ảnh: Health

Cúm mùa là bệnh nhiễm trùng cấp tính đường hô hấp gây ra bởi các chủng virus cúm. Đây là một bệnh nguy hiểm, đặc biệt thường xuất hiện vào mùa đông - xuân khi thời tiết lạnh và độ ẩm cao. Bệnh lây qua giọt bắn, qua các tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch tiết của người bệnh. Báo cáo nhanh từ các bệnh viện phía Bắc cho thấy số người đến khám và nhập viện do cúm A tăng. Hiện Bộ Y tế chưa có thống kê về số ca cúm trong đợt dịch này.

Tùy từng loại virus, cúm có thể gây những triệu chứng, diễn tiến nặng nhẹ khác nhau. Ba chủng virus cúm ảnh hưởng tới người là cúm A, B, C. Trong đó, cúm A thường gặp nhất và gây biến chứng nguy hiểm, dẫn đến nhiều trận dịch, đại dịch ở các quốc gia. Chủng cúm này thường tổ hợp giữa các kháng nguyên H và N tạo ra các tác nhân gây bệnh như H5N1, H3N2, H1N1... Cúm A thường xuất hiện các biến chủng mới, thay đổi hàng năm, khả năng lây nhiễm cao.

Virus cúm gây ra các triệu chứng như sốt cao, đau đầu, đau mỏi cơ, mệt mỏi, ho khan, đau họng, nghẹt mũi. Thời gian bệnh thông thường kéo dài từ 5-7 ngày ở người khỏe mạnh nhưng có thể kéo dài lâu hơn và nguy hiểm hơn ở nhóm nguy cơ cao.

Để phòng ngừa, ngành y tế khuyến cáo mọi người nên tiêm vaccine cúm hàng năm, đặc biệt là các nhóm dễ biến chứng như trẻ nhỏ, người già, người có bệnh nền. Bên cạnh đó, các biện pháp như đeo khẩu trang khi tới nơi đông người, rửa tay thường xuyên, che miệng và mũi khi hắt hơi, cũng rất cần thiết để hạn chế lây lan virus. Một lối sống khoa học, đảm bảo dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý giúp nâng cao sức đề kháng, hỗ trợ cơ thể chống lại dịch bệnh hiệu quả hơn.

Khi có các triệu chứng nghi ngờ cúm như sốt cao, ho, đau đầu, đau ngực, cần nghỉ ngơi tại nhà, uống đủ nước để theo dõi tình trạng. Nếu xuất hiện các dấu hiệu nặng như khó thở, đau tức ngực, lơ mơ, hoặc tím tái, cần đến cơ sở y tế ngay để được kiểm tra và điều trị kịp thời, tránh nguy cơ biến chứng nguy hiểm.

Thùy An

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022