Theo Talar Moukhtarian, trợ lý giáo sư về sức khỏe tâm thần tại Trường Y khoa Warwick, ngủ trưa từ lâu đã được coi là một cách hiệu quả để tăng cường sự tỉnh táo, cải thiện tâm trạng, tăng cường trí nhớ và nâng cao năng suất. Tuy nhiên, đối với một số người, ngủ trưa có thể ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ ban đêm.

"Ngủ trưa giống như một con dao hai lưỡi. Thực hiện đúng cách có thể giúp não bộ tái tạo năng lượng, cải thiện sự tập trung và hỗ trợ sức khỏe tinh thần và thể chất. Thực hiện sai có thể gây cảm giác lờ đờ, mất phương hướng và ảnh hưởng đến giấc ngủ buổi tối", bà Moukhtarian nhấn mạnh.

Phần lớn mọi người cảm thấy mệt mỏi tự nhiên vào khoảng đầu giờ chiều, thường từ 13h đến 16h. Điều này không chỉ do bữa trưa quá no, mà còn liên quan đến nhịp sinh học - đồng hồ sinh học bên trong cơ thể tạo ra các chu kỳ thức và mệt mỏi suốt cả ngày.

"Sự uể oải vào đầu giờ chiều là một phần của nhịp sinh học này, đó là lý do tại sao nhiều người cảm thấy buồn ngủ vào thời điểm đó", bà Moukhtarian giải thích.

Các nghiên cứu cho thấy giấc ngủ ngắn trong khoảng thời gian này, đặc biệt khi tiếp xúc với ánh sáng mạnh sau đó, có thể giúp giảm mệt mỏi, tăng cường sự tỉnh táo và cải thiện khả năng nhận thức mà không làm gián đoạn giấc ngủ ban đêm. Những "giấc ngủ ngắn tăng lực" này giúp não được nghỉ ngơi mà không đi vào giấc ngủ sâu, giúp bạn dễ dàng thức dậy với cảm giác tỉnh táo.

Tuy nhiên, theo bà Moukhtarian, nếu ngủ trưa quá lâu, người ngủ có thể rơi vào trạng thái "quán tính giấc ngủ", cảm giác lờ đờ và mất phương hướng khi thức dậy.

"Khi giấc ngủ trưa kéo dài hơn 30 phút, não bộ chuyển sang giấc ngủ sóng chậm, khiến việc thức dậy trở nên khó khăn hơn nhiều. Thức dậy từ giấc ngủ sâu có thể khiến mọi người cảm thấy uể oải đến một giờ sau đó", bà cho biết.

Điều này đặc biệt cần thiết đối với những người làm công việc yêu cầu sự tập trung cao, chẳng hạn như vận hành máy móc hoặc đưa ra quyết định quan trọng. Ngủ trưa quá muộn trong ngày có thể làm giảm "áp lực giấc ngủ tích tụ", cơ chế tự nhiên thúc đẩy giấc ngủ vào ban đêm, khiến việc ngủ vào buổi tối trở nên khó khăn hơn.

pexels-olly-3807624-1743505312-9492-1320-1743505386.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=hLJKdlnu2aDDnwqfGDeZuw

Một người phụ nữ đang ngủ trưa. Ảnh: Pexel

Đối với một số người, ngủ trưa là điều cần thiết. Những người làm việc theo ca thường xuyên gặp phải tình trạng giấc ngủ bị phân mảnh do lịch trình không đều, và một giấc ngủ ngắn trước ca đêm có thể giúp họ duy trì sự tỉnh táo, giảm nguy cơ sai sót và tai nạn. Tương tự, những người không thể ngủ đủ giấc vào ban đêm do công việc hoặc trách nhiệm cá nhân có thể hưởng lợi từ giấc ngủ ngắn để bù đắp sự thiếu hụt giấc ngủ.

Tuy nhiên, bà Moukhtarian lưu ý ngủ trưa nhiều thay vì cải thiện giấc ngủ ban đêm chỉ là giải pháp tạm thời, không phải phương án lâu dài. Những người mắc chứng mất ngủ mạn tính thường được khuyên tránh ngủ trưa hoàn toàn, vì giấc ngủ ban ngày có thể làm giảm động lực ngủ vào ban đêm của họ.

Một số người sử dụng ngủ trưa như một công cụ nâng cao hiệu suất. Vận động viên thường kết hợp ngủ trưa vào lịch trình tập luyện để tăng tốc độ phục hồi cơ bắp và cải thiện các thông số liên quan đến thể thao như thời gian phản ứng và sức bền.

"Nghiên cứu cũng cho thấy những người làm công việc đòi hỏi sự tập trung cao, chẳng hạn như nhân viên y tế và phi hành đoàn, có thể duy trì sự tỉnh táo và giảm sai lầm do mệt mỏi nhờ vào những giấc ngủ ngắn có kế hoạch", bà Moukhtarian cho biết.

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã phát hiện, một giấc ngủ ngắn kéo dài 26 phút có thể cải thiện hiệu suất làm việc của nhân viên vận hành chuyến bay đường dài lên 34% và sự tỉnh táo lên 54%.

Theo bà Moukhtarian, để ngủ trưa hiệu quả, thời gian và môi trường rất quan trọng. "Giữ giấc ngủ ngắn trong khoảng 10-20 phút giúp ngăn ngừa cảm giác lờ đờ. Thời gian lý tưởng là trước 14h, vì ngủ trưa quá muộn có thể làm gián đoạn nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể", bà khuyến nghị.

Những giấc ngủ trưa hiệu quả thường diễn ra trong môi trường mát mẻ, tối và yên tĩnh, tương tự điều kiện ngủ ban đêm. Dụng cụ như bịt mắt và tai nghe chống ồn có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ trưa, đặc biệt với những người ngủ trong môi trường nhiều ánh sáng hoặc tiếng ồn.

Mặc dù có nhiều lợi ích, ngủ trưa không phù hợp với tất cả mọi người. Theo bà Moukhtarian, tuổi tác, lối sống và tình trạng giấc ngủ có thể ảnh hưởng đến việc ngủ trưa có mang lại lợi ích hay không. "Một giấc ngủ trưa hiệu quả cần có chiến lược, biết khi nào, như thế nào và có thực sự cần thiết hay không", bà nhấn mạnh.

Đối với một số người, ngủ trưa giúp cải thiện sự tập trung và tăng cường năng lượng. Tuy nhiên, với những người khác, nó có thể gây gián đoạn giấc ngủ ban đêm. Điều quan trọng là theo dõi tác động của giấc ngủ ngắn đối với chất lượng giấc ngủ tổng thể.

"Nếu được thực hiện đúng cách, ngủ trưa có thể trở thành một công cụ hữu ích. Nếu thực hiện không đúng, nó có thể là nguyên nhân khiến bạn thức trắng vào ban đêm", bà Moukhtarian kết luận.

Thục Linh (Theo Conversation)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022