Hiện tượng này xảy ra khi nam giới xuất tinh không chủ ý trong lúc ngủ, thường vào giai đoạn giấc ngủ REM. Đây là kết quả của sự phối hợp giữa hệ thần kinh trung ương, hệ nội tiết và các cơ quan sinh dục phụ. Về mặt nội tiết, vùng dưới đồi tiết ra GnRH, kích thích tuyến yên sản sinh LH và FSH, từ đó thúc đẩy tinh hoàn sản xuất testosterone. Nồng độ testosterone đạt đỉnh vào rạng sáng, làm tăng cảm giác hưng phấn tình dục trong vô thức.

Trong giấc ngủ REM, hoạt động điện não gia tăng, đặc biệt ở các vùng liên quan đến cảm xúc và hành vi tình dục. Đồng thời, hiện tượng cương dương sinh lý khi ngủ xuất hiện tự nhiên 3-5 lần mỗi đêm. Khi các yếu tố này cộng hưởng đủ mạnh, phản xạ xuất tinh sẽ tự động được khởi phát. Thông thường, 95% các đợt mộng tinh xảy ra đồng thời với giai đoạn REM.

Theo TS.BS.CK2 Trà Anh Duy, Trung tâm Sức khỏe Nam giới Men’s Health, mộng tinh là một phản xạ sinh học bình thường, đặc biệt phổ biến ở thanh thiếu niên độ tuổi dậy thì. Tần suất mộng tinh phụ thuộc vào tuổi tác, hoạt động tình dục, mức độ xuất tinh chủ động, tình trạng căng thẳng và sức khỏe tổng thể. Một nghiên cứu cho thấy khoảng 83% nam giới từ 13 đến 17 tuổi từng trải qua mộng tinh. Tần suất này giảm dần theo tuổi tác và mức độ hoạt động tình dục thường xuyên.

Nghiên cứu khác trên JAMA, 85% nam giới 15-29 tuổi có ít nhất một lần mộng tinh trong vòng 12 tháng. Tần suất mộng tinh 1-3 lần/tháng được xem là bình thường. Nếu xảy ra trên 2 lần/tuần trong thời gian dài, kèm theo mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ hoặc đau đớn - nên được thăm khám.

Mới đây, bác sĩ Duy tiếp nhận thiếu niên 16 tuổi, được mẹ đưa đến khám vì "ướt quần" vào ban đêm. Trong một tháng, em bị mộng tinh 4 lần nên hoang mang, sợ hãi và mất ngủ. Khai thác bệnh sử không ghi nhận dấu hiệu bệnh lý. Bác sĩ xác định đây là mộng tinh sinh lý, tư vấn giáo dục giới tính, giúp thiếu niên sau đó cải thiện rõ chất lượng giấc ngủ và tinh thần.

Phân biệt với các hiện tượng tương tự

Di tinh: Là hiện tượng xuất tinh tự phát mà không khoái cảm, không giấc mơ tình dục, có thể xảy ra cả khi tỉnh táo. Đây là một rối loạn chức năng tình dục liên quan đến yếu tố thần kinh hoặc nội tiết.

Sexsomnia: Là dạng rối loạn giấc ngủ đặc biệt, trong đó người bệnh thực hiện hành vi tình dục khi đang ngủ nhưng hoàn toàn không nhận thức được. Khác với mộng tinh, sexsomnia có thể gây ra hành vi nguy hiểm và cần được chẩn đoán qua đa ký giấc ngủ.

Khi nào mộng tinh là dấu hiệu bệnh lý?

Tăng tần suất bất thường (trên 2 lần/tuần trong hơn một tháng).

Gây mệt mỏi, mất ngủ, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Kèm theo đau khi xuất tinh, tiểu buốt, đau tầng sinh môn.

Tinh dịch đổi màu, có mùi hôi, kèm máu.

Gây lo âu, mặc cảm, né tránh xã hội.

Xuất hiện hành vi tình dục khi ngủ, triệu chứng này có thể là sexsomnia.

z6511079875059-aa1d6bf484417c3-7576-8280-1752983733.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=cOQ1DOPcpflGhCz29IV9Ag

Bác sĩ tư vấn nên đi khám nếu tần suất mộng tinh tăng bất thường ảnh hưởng đến tâm lý, thể chất hoặc kèm đau, bất thường về tinh dịch. Ảnh: Lâm Anh

Một số nguyên nhân bệnh lý thường gặp

Viêm túi tinh mạn tính: Làm tăng áp lực dịch tiết, gây mộng tinh kèm đau sau xuất tinh.

Viêm tuyến tiền liệt: Gây cảm giác căng tức, khó chịu vùng đáy chậu.

Rối loạn nội tiết tố: Tăng prolactin, giảm testosterone.

Stress, rối loạn lo âu hoặc rối loạn thần kinh thực vật.

Khám và điều trị mộng tinh bệnh lý

Bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử chi tiết, tần suất mộng tinh, cảm giác kèm theo, hoàn cảnh xuất hiện, đồng thời khám tinh hoàn, tuyến tiền liệt, tầng sinh môn. Bệnh nhân thường được siêu âm qua trực tràng, đánh giá túi tinh, tuyến tiền liệt, thực hiện tinh dịch đồ kiểm tra chất lượng tinh dịch, bạch cầu, màu sắc, kèm xét nghiệm nội tiết testosterone, prolactin. Nếu nghi sexsomnia, bác sĩ sẽ thực hiện đa ký giấc ngủ.

Tùy nguyên nhân, điều trị có thể bao gồm giáo dục giới tính và tâm lý liệu pháp (đặc biệt quan trọng ở tuổi vị thành niên), thuốc kháng sinh, chống viêm (nếu có viêm túi tinh, tuyến tiền liệt), tăng cường thể lực, kiểm soát stress, can thiệp nội tiết (nếu có rối loạn hormone).

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022