Cơ quan điều tra Bộ Công an vừa khởi tố, bắt tạm giam 8 bị can liên quan đến đường dây sản xuất, buôn bán sữa giả quy mô lớn của Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group. Điều đáng nói, các sản phẩm được nhắm đến là nhóm sữa dành cho người tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non và phụ nữ mang thai - những đối tượng đặc biệt nhạy cảm và dễ bị tổn thương về sức khỏe. Các bị can bị khởi tố với hai tội danh: “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.

Công an phát hiện đường dây sản xuất hàng trăm loại sữa giả.
Trong khi vụ án đang được mở rộng điều tra, website và fanpage của hai doanh nghiệp này cùng loạt nhãn hàng như Kawai, Talacmum, Sure IQ Gludiabet, Gumi Colos... đều đã không thể truy cập. Một loạt video quảng cáo từng được phát tán rộng rãi cũng dần biến mất.
Chuyên gia “lên hình”, người nổi tiếng tiếp tay quảng cáo
Nhiều clip quảng cáo sản phẩm sữa của Hacofood từng gây chú ý khi có sự góp mặt của các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành. Trong một video, PGS.TS Nguyễn Thị L, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, xuất hiện với lời khẳng định: “Người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm” khi sử dụng các sản phẩm được sản xuất trong nhà máy đạt chuẩn FDA Hoa Kỳ. Bà cũng “đánh giá rất cao Hacofood” và nhấn mạnh “đây là nhà máy đạt tiêu chuẩn nghiêm ngặt”. Tuy nhiên, trước thông tin hai công ty này bị cáo buộc sản xuất hàng trăm loại sữa giả, bà L, tỏ ra bất ngờ, khẳng định không liên quan đến hoạt động sản xuất và cho biết chưa được xem lại video quảng cáo trước khi phát hành.
Một đoạn video khác có sự xuất hiện của bác sĩ Lê Thị H, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), giới thiệu sữa Talacmum có chiết xuất từ tổ yến, đông trùng hạ thảo, sản xuất theo dây chuyền hiện đại, nguyên liệu 100% nhập khẩu từ Hà Lan và Nhật Bản. Tuy nhiên, kết luận điều tra bước đầu cho thấy, các sản phẩm này hoàn toàn không chứa tổ yến, đông trùng hạ thảo hay bất kì thành phần giá trị nào như quảng cáo. Thay vào đó, doanh nghiệp bị cáo buộc đã sử dụng nguyên liệu rẻ tiền, phụ gia không rõ nguồn gốc để đánh lừa người tiêu dùng.
Người nổi tiếng quảng cáo sữa "giúp con cao thêm 3-5cm sau 3 tháng", chuyên gia nói "Vô lý"
Một trường hợp khác, nhân vật mặc áo blouse trắng được giới thiệu là bác sĩ, TS Đinh Ngọc H, chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Xanh Pôn. Tuy nhiên, Bệnh viện Xanh Pôn khẳng định không có nhân sự nào mang tên này. Không chỉ sử dụng hình ảnh chuyên gia y tế, các công ty còn mời MC, người nổi tiếng để quảng bá sản phẩm. Chiêu bài này khiến người tiêu dùng tin tưởng, dễ sa vào bẫy của những lời quảng cáo thổi phồng, sai sự thật.
PGS.TS Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, cảnh báo, sữa giả có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng cho sức khỏe, đặc biệt là người bệnh và trẻ nhỏ. Theo ông Trung, nhiều loại sữa được quảng cáo có thành phần cao cấp nhưng thực tế chỉ đạt dưới 70% hàm lượng dinh dưỡng như công bố.
“Trẻ nhỏ dùng lâu dài có thể bị thiếu chất, chậm phát triển. Phụ nữ mang thai có thể ảnh hưởng đến thai nhi, sinh non hoặc nhẹ cân. Tôi không hiểu công nghệ nào cho phép đưa đông trùng hạ thảo hay macca vào sữa bột mà vẫn giữ được hoạt tính sau khi pha”, ông Trung nhấn mạnh và cho biết Hiệp hội sẽ kiến nghị Bộ Y tế và Cục Quản lí thị trường siết chặt việc cấp phép và kiểm soát quảng cáo.
Lợi dụng lòng tin và khoảng trống pháp lí
Bộ Y tế cho biết, việc quản lí an toàn thực phẩm hiện được quy định tại Luật An toàn thực phẩm, với trách nhiệm thuộc về Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (trước là Bộ NN&PTNT), Bộ Công Thương và UBND các cấp. Đáng chú ý, theo quy định hiện hành, đa số thực phẩm được tự công bố chất lượng. Chỉ một số nhóm thực phẩm đặc biệt (gồm 4 nhóm) mới phải đăng kí bản công bố sản phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông. Chính điều này đã khiến một số doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở để đưa sản phẩm kém chất lượng ra thị trường.
Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết thực phẩm bảo vệ sức khỏe (thường gọi là thực phẩm chức năng) chỉ có tác dụng bổ sung, hỗ trợ - không có khả năng chữa bệnh. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng kẽ hở pháp lí và tâm lí người tiêu dùng để quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng, thậm chí gắn mác “chữa khỏi bệnh”, “hiệu quả sau vài ngày”. Thực tế, một số sản phẩm này chưa hề được kiểm chứng khoa học nhưng lại được chuyên gia y tế bảo chứng, MC nổi tiếng dẫn dắt, khiến người tiêu dùng lầm tưởng là thuốc đặc trị.
Trong khi thực tế, những kết quả ấy khó có thể đạt được chỉ dựa vào một sản phẩm đơn lẻ. Hệ quả của những quảng cáo thổi phồng này không chỉ là sự thất vọng khi sản phẩm không như mong đợi, mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây hại đến sức khỏe. Chưa kể, không ít sản phẩm được quảng cáo quá mức này có thể là hàng giả, hàng nhái, hoặc không rõ nguồn gốc, khiến người dùng càng thêm rủi ro. “Người bệnh tin vào quảng cáo mà bỏ qua điều trị y tế kịp thời có thể đánh mất giai đoạn vàng chữa bệnh, hậu quả là vừa thiệt hại kinh tế, vừa ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng”, đại diện Cục An toàn thực phẩm cảnh báo.