photo-1-17528153872861988451333-1752825981463-17528259865631136737535.png

Trong tập Alo Doctor Cuối Tuần phát sóng ngày 29/6 trên VTV9, hành trình của một bệnh nhân 65 tuổi cùng người vợ đồng hành trở thành lát cắt xúc động, mở đầu cho câu hỏi chưa bao giờ bớt cấp thiết: làm sao để người bệnh không bỏ lỡ "thời gian vàng"?

Phát hiện trễ nhưng không bỏ cuộc

Tháng 7/2024, ông Nguyễn Đình Cường (65 tuổi, Khánh Hòa) thấy nuốt khó sau khi uống thực phẩm chức năng hỗ trợ xương khớp. Nghĩ chỉ là viêm họng thông thường do tuổi tác, ông không đi khám. Khi triệu chứng kéo dài, ông đến bệnh viện kiểm tra và được nội soi. Kết quả khiến cả gia đình bàng hoàng: khả năng cao là ung thư thực quản.

"Nghe đến ung thư thì ai cũng sợ. Cả nhà như đang sống trong bầu trời xanh, đột nhiên chuyển xám xịt", ông nhớ lại. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Bích Trâm, kể: "Tôi rất lo, nhưng không thể buông xuôi. Khi có kết quả thì ngay lập tức nghĩ đến việc cùng với các con và anh chị em trong nhà ngồi lại bàn bạc. Ngày hôm sau là hai vợ chồng lên xe vào Sài Gòn để nhập viện liền".

photo-1-17528153885631085313812-1752825988742-17528259897581307350422.png

Chú Nguyễn Đình Cường. Và hậu phương vững chắc của chú, cô Nguyễn Thị Bích Trâm.

Chặng đường hơn 500km không chỉ là hành trình di chuyển, mà còn là minh chứng cho quyết tâm không bỏ cuộc. Dù quá trình điều trị không phải lúc nào cũng thuận lợi, đôi khi phải hoãn vì chỉ số chưa đạt yêu cầu, cơ thể không đủ điều kiện đáp ừng nhưng hai vợ chồng ông vẫn kiên trì. "Chú rất tin tưởng vào bác sĩ và y học hiện đại. Không ai có thể thuyết phục chú làm khác ngoài lời bác sĩ" bà Trâm nói.

Chính sự tin tưởng đó đã tạo nền tảng vững chắc để ông Cường theo sát phác đồ từ ngày đầu đến nay.

Thực trạng đáng báo động của ung thư thực quản tại Việt Nam

Đồng hành cùng với vợ chồng ông Cường trong chương trình là Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ CKII Vương Đình Thy Hảo - Phó Trưởng khoa Hóa Xạ trị, Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM. Bác sĩ là người trực tiếp tham gia điều trị các bệnh nhân ung thư thực quản, trong đó có ông Cường.

photo-2-17528153895931640668694-1752825993130-17528259952841928972756.png

Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ chuyên khoa 2 Vương Đình Thy Hảo - Phó trưởng khoa hóa xạ trị trung tâm ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM.

Theo bác sĩ Hảo, mỗi năm, Trung tâm tiếp nhận hơn 500 ca ung thư thực quản, và trên 60% trong số đó phát hiện bệnh khi đã bước sang giai đoạn tiến triển, gần như không còn khả năng phẫu thuật. Đây là một trong tám loại ung thư có tỷ lệ tử vong cao nhất tại Việt Nam hiện nay.

Khác với nhiều bệnh lý khác, ung thư thực quản thường diễn tiến âm thầm. Các dấu hiệu như nuốt nghẹn, đau sau xương ức, khàn tiếng hay sụt cân chỉ biểu hiện rõ khi bệnh đã vào giai đoạn muộn. Tuy nhiên, người dân thường bỏ qua triệu chứng ban đầu, chủ quan tự điều trị bằng thuốc kháng viêm, thuốc ngậm hoặc trì hoãn đi khám, dẫn đến việc bỏ lỡ "thời gian vàng" để can thiệp hiệu quả.

photo-3-1752815389067816305475-1752825997779-1752825998485508232502.png

Cấu trúc thực quản vốn là một ống cơ mỏng, không có lớp thanh mạc bao bọc như các cơ quan khác, nên ung thư dễ xâm lấn sang các vùng lân cận, khiến việc điều trị trở nên phức tạp hơn. Vì vậy, bác sĩ Thy Hảo đặc biệt nhấn mạnh rằng chỉ khi cộng đồng được nâng cao nhận thức và chủ động tầm soát sớm, mới có thể hy vọng giảm thiểu tỷ lệ tử vong do căn bệnh này.

Liệu pháp miễn dịch - Cánh cửa mới từ y học hiện đại

Bên cạnh hóa trị và xạ trị, liệu pháp miễn dịch đang được áp dụng tại nhiều trung tâm ung bướu lớn như Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị ung thư thực quản trong những trường hợp không còn chỉ định phẫu thuật. Theo bác sĩ Thy Hảo, phương pháp này hoạt động bằng cách ức chế các thụ thể PD-L1 trên bề mặt tế bào ung thư, giúp hệ miễn dịch nhận diện chính xác và tiêu diệt khối u, đồng thời giảm tổn thương đến các tế bào lành.

photo-4-17528153906621589840011-1752825999785-17528260008171823023830.png

Nguyên lý này không chỉ cải thiện hiệu quả điều trị, mà còn giảm thiểu tác dụng phụ so với hóa trị truyền thống. Đây là lựa chọn phù hợp cho những bệnh nhân cao tuổi, có thể trạng yếu hoặc mắc kèm nhiều bệnh nền, không còn khả năng chịu được xạ trị liều cao. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân không chỉ được theo dõi sát trong từng chu kỳ để điều chỉnh phác đồ phù hợp, mà còn được tạo điều kiện tiếp cận các nguồn hỗ trợ.

Tuy nhiên, chi phí vẫn là rào cản lớn. Liệu pháp miễn dịch chưa được bảo hiểm y tế chi trả đầy đủ, khiến nhiều bệnh nhân khó tiếp cận. Bác sĩ Thy Hảo cho biết đội ngũ y bác sĩ bệnh viện đã đề xuất với ban lãnh đạo triển khai chương trình cấp thẻ bảo hiểm y tế cho bệnh nhân khó khăn, đồng thời giới thiệu các trường hợp cần thiết đến những quỹ tài trợ của Bộ Y tế và tổ chức thiện nguyện.

"Người bệnh không nên e ngại. Hãy đến các bệnh viện lớn, nơi có chương trình hỗ trợ bài bản để được tiếp cận điều trị kịp thời", bác sĩ nhấn mạnh, đồng thời khuyến khích mọi người chủ động tham gia bảo hiểm y tế từ sớm, thay vì chờ đến khi bệnh nặng mới tìm đến hệ thống y tế. Theo bà, bảo hiểm y tế là điều kiện tiên quyết giúp bệnh nhân ung thư tiếp cận được nhiều quyền lợi và cơ hội điều trị tiên tiến hơn.

Điều trị hiệu quả bắt đầu từ nhận thức và sự đồng hành

Từ một bệnh nhân không thể nuốt nổi một viên thuốc, ông Cường giờ đây đã có thể ăn uống nhẹ nhàng, tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị miễn dịch kết hợp hóa trị. Hành trình ấy không chỉ nhờ tiến bộ của y học, mà còn đến từ sự chủ động, niềm tin và tinh thần lạc quan của bệnh nhân cùng gia đình.

photo-5-1752815390160847254169-1752826002944-1752826003267514782798.png

Theo bác sĩ Thy Hảo, với các bệnh lý ác tính như ung thư thực quản, tinh thần và sự đồng hành từ gia đình đóng vai trò quyết định trong việc duy trì hiệu quả điều trị lâu dài. Bà cũng cảnh báo người dân không nên chủ quan trước các dấu hiệu bất thường, càng không nên tự ý áp dụng phương pháp dân gian chưa kiểm chứng, vì có thể bỏ lỡ "thời gian vàng" điều trị.

"Ung thư thực quản không phải là án tử nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng và đủ" bác sĩ nhấn mạnh. Những trường hợp như ông Cường cho thấy: khi người bệnh đủ hiểu biết, đủ niềm tin và được hỗ trợ đúng lúc, hy vọng sống không còn là điều xa vời. Chính sự kết hợp giữa y học hiện đại, hệ thống hỗ trợ y tế - xã hội, và tinh thần kiên cường là nền tảng để hành trình tìm lại hy vọng sống của bệnh nhân trở nên dễ dàng hơn.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022