Ông Lưu, 52 tuổi, một cư dân tại Trung Quốc, có con vừa vào đại học, là trụ cột kinh tế chính trong gia đình. Gần nửa năm qua, ông cảm thấy cơ thể mệt mỏi, hay ốm, mỗi lần ốm rất lâu khỏi. Bạn bè và gia đình cho rằng ông có sức đề kháng kém, cần bổ sung dinh dưỡng. Vì vậy, ông Lưu mua một loại vitamin tổng hợp theo gợi ý của mọi người.

Ban đầu, ông uống một viên mỗi ngày như hướng dẫn. Sau một thời gian không thấy cơ thể cải thiện, ông nghĩ mình yếu nên tăng liều. Cuối cùng, ông uống tới 8 viên vitamin mỗi ngày. Sau một tuần, cơ thể ông vẫn không cải thiện, còn xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, chán ăn, nước tiểu và da chuyển vàng. Khi khám tại bệnh viện, bác sĩ phát hiện men gan của ông cao bất thường và chẩn đoán suy gan.

Theo bác sĩ, tình trạng suy gan của ông Lưu liên quan đến việc dùng quá nhiều vitamin tổng hợp trong thời gian dài. Các chuyên gia cũng khuyến cáo ảnh hưởng của việc dùng quá liều vitamin và các chất bổ sung.

Gần đây, Trung tâm Ung thư Quốc gia Mỹ đã công bố một nghiên cứu trên tạp chí JAMA, theo dõi dữ liệu của 390.000 người trưởng thành khỏe mạnh với độ tuổi trung bình 61,5 trong suốt 27 năm để phân tích mối quan hệ giữa việc uống vitamin tổng hợp hàng ngày và tỷ lệ tử vong.

Kết quả cho thấy, sử dụng vitamin tổng hợp mỗi ngày làm tăng nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân lên 4%, nguy cơ bệnh tim mạch và nguy cơ tử vong do bệnh mạch máu não lên 6%. Đặc biệt, những người dưới 55 tuổi uống vitamin tổng hợp hàng ngày có nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân tăng 15%.

Đây không phải lần đầu tiên vitamin bị đưa ra đánh giá về mức độ "thần thánh". Cuối năm 2022, một nhóm chuyên gia quốc tế tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ công bố nghiên cứu trên tạp chí Biosensors and Bioelectronics, chỉ ra rằng bổ sung vitamin B3 không đúng cách làm tăng nguy cơ ung thư vú bộ ba âm tính, có thể khiến ung thư di căn lên não, tăng tỷ lệ u não ở chuột lên 27%.

Về việc bổ sung vitamin, Nhóm Công tác Dịch vụ Phòng ngừa của Mỹ chỉ ra rằng không phải ai cũng cần bổ sung vitamin và khoáng chất. Dù cơ thể không thể tự tổng hợp hoặc tổng hợp rất ít vitamin, chỉ cần duy trì chế độ ăn cân đối cũng nạp đủ vitamin mà không cần bổ sung thêm. Chỉ một số trường hợp đặc biệt như người kén ăn hoặc phụ nữ đang chuẩn bị mang thai mới cần bổ sung vitamin theo chỉ dẫn của bác sĩ.

pexels-polina-tankilevitch-387-3597-2427-1726625505.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=92GH9qaoObUk61C4RkQqXA

Chỉ một số người cụ thể mới cần bổ sung vitamin. Ảnh: Pexel

4 loại vitamin cần tránh bổ sung quá mức

Vitamin là một trong 6 dưỡng chất thiết yếu của cơ thể, được chia thành hai loại: hòa tan trong chất béo và hòa tan trong nước. Loại hòa tan trong chất béo bao gồm vitamin A, D, E và K, chủ yếu tồn tại trong chất béo và có thể gây ngộ độc tích lũy khi tiêu thụ quá mức. Loại hòa tan trong nước gồm vitamin B2, B6, B12, axit folic và C. Dù có thể được thải qua nước tiểu, tiêu thụ quá mức các loại vitamin này cũng gây hại cho sức khỏe.

Dược sĩ Lương Hiểu Linh tại Bệnh viện Nam Phương Y Khoa Thâm Quyến cảnh báo 4 loại vitamin hòa tan trong chất béo sau đây dễ gây hại nếu bổ sung quá mức.

Vitamin A: Có trong cà rốt, rau chân vịt và gan động vật, quan trọng cho phản ứng thị giác, phát triển xương và chức năng tế bào da. Tiêu thụ quá mức gây tăng canxi máu và tổn thương xương.

Vitamin D: Có trong lòng đỏ trứng, gan động vật, bơ và cá có hàm lượng chất béo cao, quan trọng cho sự hấp thụ canxi và phốt pho của cơ thể, thúc đẩy sự canxi hóa xương và sự phát triển của răng. Tiêu thụ quá mức gây chán ăn, buồn nôn và tăng canxi trong nước tiểu.

Vitamin E: Có trong dầu thực vật, dầu gan cá, hạt và rau xanh, là chất chống oxy hóa chính của cơ thể. Tiêu thụ quá mức làm giảm hấp thụ vitamin A và K, cũng như khả năng tiêu diệt vi khuẩn của bạch cầu trung tính.

Vitamin K: Do vi khuẩn đường ruột tạo nên, giúp duy trì yếu tố đông máu bình thường và thúc đẩy sự đông máu. Sử dụng liều lượng lớn qua đường tĩnh mạch có thể gây thiếu máu chết người, tăng bilirubin máu và vàng da nghiêm trọng.

Những nhóm người cần bổ sung vitamin phù hợp

Dược sĩ Thạch Hạo Cường, Khoa Dược, Bệnh viện Thượng Hải Nhân Dân nhấn mạnh người bình thường chỉ cần duy trì chế độ ăn cân đối là đủ vitamin mà không cần bổ sung thêm. Chỉ một số nhóm đặc biệt hoặc đã có triệu chứng thiếu hụt mới cần sử dụng thêm.

Người ăn chay trường: Người ăn chay, không có thực phẩm từ động vật dễ thiếu protein, vitamin B12, sắt và axit béo không bão hòa. Nhóm này có thể sử dụng bổ sung dinh dưỡng theo nhu cầu cá nhân.

Người bị bệnh nền gây thiếu vitamin: Người mắc sốt rét dễ thiếu axit folic; người suy gan thận dễ thiếu vitamin C; người bệnh gan nặng dễ gặp rối loạn tổng hợp vitamin K; người bệnh túi mật, viêm ruột, tiêu chảy mãn tính khó hấp thụ vitamin. Những người này nên bổ sung dưới hướng dẫn của bác sĩ.

Người dùng thuốc gây thiếu hụt vitamin: Người dùng kháng sinh phổ rộng dễ bị giảm tổng hợp vitamin K do vi khuẩn đường ruột bị ức chế; người dùng isoniazid dễ thiếu vitamin B6; người dùng dầu paraffin giảm hấp thụ vitamin A, D, E nên bổ sung thích hợp các loại vitamin hòa tan trong chất béo.

Người ăn uống thiếu hoặc nhu cầu tăng cao: Phụ nữ mang thai cần lượng vitamin cho cả hai người nên dễ thiếu hụt. Họ nên bổ sung lượng thích hợp trong thai kỳ. Vitamin rất cần thiết cho sức khỏe nhưng không phải càng nhiều càng tốt. Người bình thường duy trì chế độ ăn cân đối sẽ không thiếu hụt và không cần bổ sung thêm.

Thục Linh (Theo Aboulowang)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022