Mẹ của bé gái người Lào, tên là P.S (8 tháng tuổi) chia sẻ suốt quá trình mang thai và khi sinh ra, bé không có dấu hiệu bất thường. Đến khi trẻ 8 tháng tuổi, thấy con ho, ăn uống ít, bố mẹ cho trẻ đi khám tại Bệnh viện của Lào thì được chẩn đoán là viêm phổi.

Tuy nhiên mẹ P.S quan sát thấy con thở khò khè, khi khóc miệng con tím. Trẻ được thực hiện thăm khám chuyên sâu hơn và các bác sĩ phát hiện trẻ mắc tim bẩm sinh. Bố mẹ P.S đi hết viện này đến viện khác tìm cách chữa trị nhưng các bác sĩ đều quan ngại rằng “rất khó”, “không thể”.

Không bỏ cuộc, gia đình vẫn nỗ lực tìm kiếm cơ hội sống cho cô con gái nhỏ, và thật may mẹ bé P.S được một người bạn giới thiệu sang gặp các bác sĩ tim mạch của Việt Nam.

Trước khi chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương, bé gái người Lào P.S trải qua một cuộc mổ tim bẩm sinh trước đó ở một bệnh viện khác. Cuộc phẫu thuật kết thúc các bác sĩ mới phát hiện trẻ bị hẹp khí quản.

bac-si-dang-kham-cho-benh-nhi-08192199-1663836941174-1663836941241432542860.jpg

TS. BS Lê Hồng Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương trực tiếp thăm khám cho bé P.S.

P.S vào Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 12/8 trong tình trạng khó thở nặng, rút hõm lồng ngực, khò khè, có những tiếng thở rít rất rõ của hẹp khí quản. Các bác sĩ đã nội soi và phát hiện mức độ hẹp khí quản của trẻ chiếm 2/3 chiều dài của toàn bộ khí quản.

“Tim của trẻ được sửa tương đối ổn định, nhưng vấn đề chính là đường thở hẹp ở mức độ trung bình – nặng và nó có thể ảnh hưởng đến tình trạng sống còn của trẻ. Sau khi thăm dò nội soi khí quản, chụp CT và kiểm tra lại tổn thương bên trong tim đã được sửa chữa, chúng tôi nhận thấy trẻ bắt buộc phải tạo hình khí quản để bảo vệ tính mạng” - TS.BS Nguyễn Lý Thịnh Trường - Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương nói.

Tổn thương và đường đi của khí quản khá phức tạp nên trong lần phẫu thuật lần đầu tiên, các bác sĩ tạo hình được một phần khí quản phía bên trên. Tuy nhiên, diễn biến sau mổ không thuận lợi, các bác sĩ tiếp tục thăm dò thêm thì phát hiện vẫn còn tồn tại đoạn hẹp phía dưới của khí quản.

“Ca phẫu thuật khá khó khăn. Rất may là sau khi tạo hình lại toàn bộ khí quản và xử lý được đoạn hẹp thì đường thở trẻ khá hơn rất nhiều. Hiện kết quả thăm dò sau phẫu thuật của trẻ tương đối ổn định, kích thước to như khí quản của trẻ bình thường” - TS. BS Nguyễn Lý Thịnh Trường chia sẻ.

Sau 5 ngày, bệnh nhi được rút nội khí quản, chuyển đến Khoa Hồi sức Nội tim mạch để tiếp tục theo dõi, chăm sóc cẩn thận. Tại đây, bé P.S tiếp tục thở bằng CPAP qua gọng mũi 2 ngày, tiếp đó trẻ được cai máy thở, dần dần đã tự thở tốt.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022