Con số này dựa trên dữ liệu bán hàng tổng hợp từ Cục Thuế Quốc gia và Cục Hải quan Hàn Quốc, được công bố ngày 20/9. Tổng cộng, năm 2021, người trưởng thành nước này tiêu thụ 825,8 triệu lít rượu soju và 1,79 tỷ lít bia, tương đương với 2,3 tỷ chai rượu và 3,6 tỷ chai bia. Tất cả rượu bia được phân phối thông qua các nhà sản xuất trong nước.
Dữ liệu cho thấy lượng tiêu thụ rượu soju năm 2021 giảm 12,7% so với năm 2017, bia giảm 16,7% trong cùng kỳ. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ rượu vang tăng từ 36,5 triệu lít lên 76,8 triệu lít trong giai đoạn 2017 - 2021.
"Các lô hàng đồ uống có cồn, gồm cả nhập khẩu, đã giảm kể từ trước đại dịch. Đây dường như là hiện tượng phản ánh sự thay đổi trong văn hóa tụ tập ăn nhậu và tiêu thụ rượu của quốc gia", Hạ nghị sĩ Kim Sang-hoon, Đảng Quyền lực Nhân dân, cho biết.
Thực tế, văn hóa ăn nhậu sau giờ làm phổ biến tại Hàn Quốc, gọi là hoesik, nhằm thúc đẩy đoàn kết nội bộ. "Ngày nay, người lao động trẻ coi đó là công việc ngoài giờ", Kwang-Yeong Shin, giáo sư xã hội học tại Đại học Chung-Ang, nói.
Rượu soju được bày bán tại các siêu thị và cửa hàng tiện lợi ở Hàn Quốc. Ảnh: Korea Herald
Theo Công ty nghiên cứu dữ liệu Euromonitor, Hàn Quốc là một trong những nước tiêu thụ rượu nhiều nhất trên thế giới. Đây cũng là nước có số người nghiện rượu cao hơn bất cứ quốc gia nào, với 6,76% dân số phụ thuộc vào rượu, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Chi phí xã hội liên quan đến rượu lên tới 20 tỷ USD mỗi năm, ước tính của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc.
"Rượu dẫn đến nhiều loại bệnh tật, như bệnh gan, tim mạch. Tuy nhiên, chính phủ chưa có hướng dẫn về việc uống bao nhiêu là quá nhiều", Chun Sung-soo, thành viên Hiệp hội Y tế Công cộng Hàn Quốc, cho biết.
Ông nhận định người Hàn thiếu nhận thức về nguy cơ sức khỏe của việc uống nhiều rượu bia. Chính phủ cũng chỉ đầu tư một phần nhỏ thu được từ việc bán rượu để tạo ra các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng.
Theo WHO, uống rượu là nguyên nhân dẫn đến 200 căn bệnh, gây ra cái chết của 33 triệu người mỗi năm. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), rượu có thể dẫn đến huyết áp cao, đột quỵ, bệnh gan, các vấn đề tiêu hóa, ung thư vú, miệng, cổ họng, thực quản, ruột kết và trực tràng.
Thục Linh (Theo Korea Herald)