Bệnh nhi là người dân tộc H’Mông, gia đình 8 anh chị em, ngụ tỉnh Đăk Nông, được nhà hảo tâm đưa về TP HCM điều trị. Người nhà cho biết hai chân em không cử động được từ lúc chào đời. Khoảng một tháng sau, chân bắt đầu cử động nhưng bé khóc rất nhiều, đến lúc biết đi, hai cẳng chân thường bị gãy, biến dạng. Ba năm trước, cháu bé từng mổ xương đùi phải.
Ngày 22/9, bác sĩ Nguyễn Thành Tâm, Giám đốc Bệnh viện Sài Gòn ITO, cho biết bệnh nhi bị biến dạng cẳng chân do bệnh lý tạo xương bất toàn chân phải, còn gọi bệnh xương thủy tinh, bệnh giòn xương. Các bác sĩ phẫu thuật chỉnh trục xương chân phải và bó bột hỗ trợ.
Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhi. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Theo bác sĩ, trẻ mắc bệnh lý tạo xương bất toàn bẩm sinh từ trong bụng mẹ, liên quan đến nhiễm sắc thể, vì vậy xương rất mong manh, dễ gãy. Gãy xương ở bệnh nhi xương thủy tinh là một dạng gãy xương đặc biệt, không thể điều trị và phẫu thuật như gãy xương thông thường. Tình trạng bệnh nhi này khá phức tạp do xương cẳng chân bị cong, biến dạng nghiêm trọng, gãy nhiều lần.
Một tuần sau mổ, sức khỏe bé trai ổn định, vết thương hồi phục, có thể đứng được. Bệnh nhi sẽ tập vật lý trị liệu để đi lại và sinh hoạt như những trẻ bình thường khác.
Phim X-quang của bệnh nhi trước và sau mổ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Xương thủy tinh là bệnh lý hiếm gặp, tỷ lệ mắc bệnh khoảng 1/20.000 đến 1/50.000 dân, có tính di truyền. Trẻ mắc bệnh có thể chết trong bụng mẹ hoặc biến dạng khuôn mặt, gãy xương liên tục. Hiện, chưa có phương pháp chữa khỏi bệnh, chỉ điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng.
Bệnh nhân cần đến các cơ sở khám chữa bệnh xương khớp để được chẩn đoán sớm và có phương pháp điều trị phù hợp nhằm phòng ngừa, hạn chế gãy xương. Nếu được điều trị đúng cách về chỉnh hình, tâm lý, trợ cụ, bệnh nhân có thể đi đứng được.
Lê Phương