Sáng 10/7, trả lời VnExpress, GS Tuấn xác nhận thông tin trên, cho biết thời gian thực hành của ông bắt đầu từ ngày 1/7, kéo dài 12 tháng theo quy định của Bộ Y tế về cấp giấy phép hành nghề khám chữa bệnh.

Lãnh đạo Bệnh viện Hữu Nghị cũng xác nhận nơi này đã chấp thuận, cho hay GS Tuấn thực hành tại các khoa thuộc khối nội. Theo đó, bác sĩ phải thực hành 9 tháng ở khoa nội và 3 tháng ở khoa hồi sức.

Trước đó, GS Tuấn liên quan vụ án nâng giá vật tư y tế tại bệnh viện gây thiệt hại hơn 53 tỷ đồng, thời gian là giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội. Tháng 4/2023, Tòa án Hà Nội tuyên cựu giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn 3 năm tù, bị tước chứng chỉ hành nghề nhưng không cấm đảm nhiệm chức vụ hay cấm hành nghề sau khi chấp hành bản án. Theo cáo trạng, hành vi phạm tội của ông Tuấn không liên quan đến chuyên môn ngành y mà chỉ là vi phạm trong công tác quản lý.

Theo quy định, sinh viên ngành y mới ra trường để được cấp chứng chỉ hành nghề y phải hoàn thành 12 tháng thực hành tại các cơ sở y tế. Do đó, mãn hạn tù, GS Tuấn muốn tiếp tục hành nghề y tế phải được cấp lại giấy phép, như vậy ông cần thiết trải qua 12 tháng thực hành như sinh viên mới ra trường.

Khi được cấp lại chứng chỉ hành nghề, GS Tuấn mới được phép hoạt động khám, chữa bệnh cho bệnh nhân như trước đây.

1-jpeg-4118-1720586555.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=t8mUJ_gnGdE27wgfrMEMpQ

GS.TS Nguyễn Quang Tuấn. Ảnh: Hoàng Phong

GS Tuấn là chuyên gia đầu ngành tim mạch. Ông có nhiều năm làm giảng viên bộ môn Tim mạch, Đại học Y Hà Nội; bác sĩ Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai, trước khi làm Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội từ năm 2012 đến tháng 3/2020. Tháng 3/2020, ông làm Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho đến khi bị bắt vào năm sau.

Ông là đại biểu Quốc hội khóa XIV; từng nhận được nhiều bằng khen của Thủ tướng. Ông được trao danh hiệu Công dân thủ đô ưu tú năm 2016; Thầy thuốc ưu tú năm 2017; Huân chương Lao động hạng Ba năm 2019...

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022