Đột quỵ - bệnh lý hiếm gặp nhưng nguy hiểm đối với trẻ nhỏ

Mới đây, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 đã tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhi 8 tuổi ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang bị đột quỵ. Hơn 1 tháng trước, bé H. có những biểu hiện đau đầu, chóng mặt thoáng qua. Vài ngày sau, bé xuất hiện triệu chứng liệt nửa người và hôn mê. Mẹ bé H. cho biết, khi đến viện thì tình trạng của bé đã nặng. 

“Tự dưng bàn chân của cháu không xỏ được dép, người cháu yếu. Sau đó, người cháu lịm đi, một lát sau cháu đi vào hôn mê, vệ sinh không tự chủ… Giá như gia đình biết đưa cháu đi viện từ lúc cháu kêu choáng đầu, chóng mặt thì cháu sẽ nhẹ hơn. Gia đình không biết gì về bệnh đột quỵ”- mẹ bé H. chia sẻ.

dotquy-1661403634354-16614036344281416906239.jpg

Trẻ nhỏ bị đột quỵ cần được phát hiện và cấp cứu sớm, tránh hậu quả đáng tiếc

Sau hơn 1 tháng điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, gia đình chuyển bé đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 điều trị tiếp. Ths-BS Lê Chi Viện- Khoa Đột quỵ não - BV Trung ương Quân đội 108 , bác sĩ trực tiếp điều trị cho bé H chia sẻ: “Bệnh nhi được xác định bị đột quỵ nhồi máu não do tắc mạch thân nền, bệnh lý được coi là hiếm gặp. Do đến cơ sở y tế can thiệp hơi muộn, tuy cứu được tính mạng nhưng để lại di chứng nặng nề như liệt tứ chi, suy giảm nhận thức khá nhiều, chưa tiếp xúc được ngôn ngữ”. 

Hiện bé H được điều trị với một phác đồ toàn diện và tích cực bằng thuốc, phục hồi chức năng, tâm lý trị liệu, dinh dưỡng… BS Lê Chi Viện cho biết, sau một thời gian điều trị tích cực, bé H. đã có dấu hiệu tiến triển tốt hơn trong vận động và nhận thức. Tuy nhiên, rất khó để có thể trở lại trạng thái bình thường như trước kia.

Nguyên nhân gây đột quỵ ở trẻ nhỏ

Có thể nói, từ trước đến nay chúng ta thường nghĩ đột quỵ là bệnh của người lớn. Nhưng trên thực tế, tình trạng này cũng có thể xảy ra ở trẻ em. Theo TS-BS Nguyễn Hồng Quân – Phó chủ nhiệm khoa Nội Thần kinh – BV Trung ương Quân đội 108, nguyên nhân gây đột quỵ ở trẻ em hơi khác so với người lớn. “Nếu như nguyên nhân gây đột quỵ ở người lớn chủ yếu liên quan đến xơ vữa động mạch, rối loạn nhịp tim như rung nhĩ, tăng huyết áp, tiểu đường, thì ở trẻ em, thường liên quan đến các bệnh lý về tim mạch, bệnh lý về mạch máu, hay gặp như bệnh lý bóc tách động mạch, dị dạng động mạch, viêm động mạch. 

Ngoài ra, còn có các bệnh lý về máu, có thể dẫn đến tình trạng tăng đông hoặc tình trạng giảm đông máu. Tình trạng tăng đông hay gây ra huyết khối, tắc mạch, còn tình trạng giảm đông máu sẽ gây ra đột quỵ chảy máu ở trẻ em. Một số có thể có liên quan đến gen làm gia tăng tình trạng đột quỵ ở trẻ em”- TS- BS Nguyễn Hồng Quân nói.

Thời gian vàng cấp cứu đột quỵ cho trẻ

Các chuyên gia cho rằng, không ít các trường hợp gia đình phát hiện muộn đã khiến tình trạng trẻ bị đột quỵ không được chữa trị kịp thời. Vì thế, theo BS Quân, khi các bé bị đột quỵ, cần phải được cấp cứu tại các cơ sở y tế càng sớm càng tốt. 

“Khoảng thời gian vàng đối với một số loại đột quỵ như nhồi máu chẳng hạn, nếu đến bệnh viện trong khoảng 4,5 giờ, có thể dùng thuốc tiêu sợi huyết. Nếu đến trong khoảng từ 6-24 giờ vẫn có thể xem xét để thực hiện can thiệp lấy huyết khối đối với những bệnh nhân nhồi máu. Tuy nhiên, đến viện cấp cứu càng sớm càng tốt để giảm nguy cơ tử vong và tàn phế”- BS Quân nhấn mạnh.

Các dấu hiệu nhận biết tình trạng đột quỵ ở trẻ

Các dấu hiệu đột quỵ ở trẻ em không khác gì ở người lớn, đều là đột ngột xảy ra chúng ta có những dấu hiệu thần kinh khu trú, ví dụ như bị liệt nửa người bị rối loạn ngôn ngữ (nói khó, nói ngọng,) rối loạn về thị giác, thăng bằng. Tuy nhiên, TS-BS Nguyễn Hồng Quân cho biết, ở trẻ em cũng có một số khác biệt so với người lớn cần lưu tâm. “Tỷ lệ co giật ở trẻ em gặp khá nhiều, đôi khi là một trong những biểu hiện đầu tiên. 

Tỷ lệ đau đầu và nôn cũng gặp khá nhiều. Tuy nhiên, những triệu chứng này lại rất dễ bị nhầm so với những bệnh lý khác, như co giật dễ nhầm sang động kinh, đau đầu dễ nhầm với đau đầu thông thường hay nôn lại nghi bị mắc các bệnh về tiêu hóa… do vậy rất dễ bị bỏ qua. Hoặc do các bé còn quá nhỏ, chưa biết đi, chưa biết nói, vì thế khi thấy trẻ co giật, có những cử động và ý thức bất thường, quấy khóc bất thường thì nên đưa trẻ đi khám ngay”- BS Quân khuyến cáo.

bacsiquan-1661403638336-16614036384121519169831.png

TS-BS Nguyễn Hồng Quân- Phó chủ nhiệm khoa Nội thần kinh- BV TƯ Quân đội 108

Cách sơ cứu và xử trí khi trẻ bị đột quỵ

Nên chú ý đến đường thở, bệnh nhân đột quỵ có thể bị nôn, co giật gây ngừng thở, chúng ta phải giúp đường thở thông, nếu không bệnh nhân sẽ bị tử vong trước khi đến bệnh viện. 

“Nên cho các bé nằm cao đầu tránh cho việc nôn trớ, gây sặc, bít đường thở. Nếu cơn co giật kéo dài, phải đưa các bé đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí cơn co giật. Nới rộng quần áo, tránh gây chấn thương do co giật gây nên. Một vấn đề nữa là bệnh nhân có thể mất ý thức gây ảnh hưởng đến hô hấp và tim mạch thì chúng ta cũng cần lưu tâm”- BS Nguyễn Hồng Quân tư vấn./.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022