Trả lời:
Thói quen ngủ bù vào cuối tuần để "trả nợ" giấc ngủ sau một tuần bận rộn khá phổ biến, đặc biệt ở giới trẻ. Tuy nhiên, đây không phải giải pháp tối ưu và có thể gây hại cho sức khỏe.
Theo nghiên cứu, ngủ thêm vài giờ có thể giảm mệt mỏi, cải thiện tâm trạng tạm thời. Tuy nhiên, nó không thể bù đắp hoàn toàn những tổn hại do thiếu ngủ kéo dài. Việc thiếu ngủ liên tục, kéo dài trong tuần làm suy giảm khả năng tập trung, trí nhớ, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì và suy yếu hệ miễn dịch.
Tình trạng thức đêm nhiều trong suốt một tuần sau đó ngủ bù có thể gây rối loạn nhịp sinh học, khiến cơ thể mệt mỏi, uể oải, chán nản, không tỉnh táo. Thức khuya và dậy muộn khiến bạn khó bắt đầu tuần mới. Ngoài ra, các cơ quan nội tạng như gan - thận sẽ thải độc tốt nhất từ sau 10 giờ tối, đặc biệt là khi cơ thể trong trạng thái ngủ say. Lúc này, bạn cần đi ngủ để cơ thể được nghỉ ngơi, đào thải độc tố.

Mất ngủ gây nhiều hệ lụy sức khỏe. Ảnh: pennmedicine
Người trưởng thành nên duy trì giấc ngủ 6-8 tiếng mỗi đêm và giữ lịch trình ngủ đều đặn, kể cả cuối tuần. Sự chênh lệch giờ ngủ không nên quá 1-2 tiếng so với ngày thường.
Nên tạo môi trường ngủ lý tưởng yên tĩnh, tối, mát mẻ; tránh cà phê, rượu bia, thiết bị điện tử trước giờ ngủ.
Nếu thường xuyên thiếu ngủ, bạn nên xem lại lịch trình sinh hoạt, loại bỏ yếu tố gây ảnh hưởng như căng thẳng hay thói quen xấu. Trường hợp mất ngủ kéo dài, bạn nên đi khám để được điều trị, kê đơn thuốc phù hợp.
Bác sĩ Nguyễn Huy HoàngTrung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc Phòng