Trả lời:
Mọi người đang hiểu lầm đột quỵ và cảm lạnh, trúng gió. Trường hợp cảm lạnh do đi ra ngoài về hoặc tắm lạnh xong có triệu chứng hơi đau đầu, tê người do lạnh. Nếu dùng máy sấy làm ấm cơ thể sẽ có cảm giác dễ chịu hơn.
Tuy nhiên, việc ho mạnh hay sấy vào gáy đều không có tác dụng trong trường hợp bệnh nhân đột quỵ, thậm chí làm những việc này còn làm chậm "giờ vàng" cấp cứu. Việc sơ cứu đúng sẽ giúp nạn nhân tránh khỏi những di chứng nặng nề. Ngược lại, sơ cứu sai có thể để lại hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là đe dọa tính mạng.
Khi cơn đột quỵ xảy ra, cứ mỗi phút trôi qua sẽ làm mất 2 triệu tế bào thần kinh. Do đó, phải tiếp cận điều trị càng sớm càng tốt. Tuyệt đối không áp dụng các mẹo điều trị, uống bất cứ loại thuốc gì làm chậm quá trình can thiệp cho nạn nhân.
Nguyên nhân trời lạnh khiến số ca đột quỵ tăng là do nhiệt độ thấp có thể làm mạch máu co lại, gây tăng huyết áp, máu cô đặc dẫn đến hình thành cục máu đông gây đột quỵ. Trong mùa này, nhiều người lười vận động, tập thể thao hơn, có thể là một yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ. Triệu chứng của trúng gió là cảm giác bủn rủn, mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt. Người bệnh có thể thêm triệu chứng sổ mũi, gai rét, sốt nhẹ.
Để phòng ngừa đột quỵ hiệu quả, cần duy trì huyết áp ổn định, kiểm soát các bệnh nền như tiểu đường, mỡ máu và tim mạch. Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh với ít muối, nhiều rau xanh, trái cây và hạn chế chất béo bão hòa. Tập thể dục đều đặn, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia và giảm căng thẳng cũng rất quan trọng. Ngoài ra, nên khám sức khỏe định kỳ để theo dõi các chỉ số và tầm soát nguy cơ đột quỵ.
Minh họa một người bị đột quỵ tai biến mạch máu não. Ảnh: iStock
Bác sĩ Đoàn Dư MạnhHội Bệnh mạch máu Việt Nam