Thông tin được ông Võ Quốc Hùng, Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM nêu tại họp báo kinh tế - xã hội, chiều 6/2.

"Chúng tôi đẩy mạnh phân cấp quản lý hoạt động khuyến mãi về quận, huyện để doanh nghiệp dễ dàng thực hiện các hoạt động kích cầu", ông Hùng cho biết.

Chương trình khuyến mãi tập trung của TP HCM năm nay dự kiến sẽ có nhiều hoạt động và tiếp cận đa dạng phân khúc thị trường, đối tượng khách hàng từ cao cấp đến thu nhập thấp.

Địa phương cũng đẩy mạnh xây dựng chuỗi cung ứng bền vững và thương hiệu nông sản TP HCM, giúp người dân tin tưởng lựa chọn hàng nội địa. "Tăng sức mua quan trọng là đẩy tiêu thụ cho mua hàng Việt", ông Hùng nói thêm.

233a4252-1738853675-2472-1738854119.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=OGs2kGR-R1xYRSx8WyMYtQ

Người dân mua sắm hàng hóa tại siêu thị Co.opmart Thủ Đức, tháng 1/2025. Ảnh: Quỳnh Trần

Kích cầu tiêu dùng mạnh hơn là chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi mới đây với Sở Công Thương. Đây được xem là một trong những giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm nay hai chữ số.

Năm 2024, kinh tế địa phương mở rộng 7,17%. Dịch vụ chiếm 65,5% cơ cấu GRDP và tăng trưởng cao nhất nhưng chỉ cũng đạt 7,7%. Kết quả này một phần nhờ nỗ lực kích cầu thông qua 2 đợt khuyến mại tập trung mức 100% giá bán, với tổng thời gian 4,5 tháng, đi cùng hàng loạt sự kiện, lễ hội.

Với mục tiêu GRDP tăng 10%, ngành dịch vụ đòi hỏi phải tăng trưởng hai chữ số, là áp lực không nhỏ, theo các chuyên gia tại buổi tọa đàm về giải pháp tăng trưởng hai chữ số do Viện Nghiên cứu và phát triển TP HCM (HIDS) tổ chức đầu tháng 1.

Theo số liệu của Cục Thống kê TP HCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng qua - tức cao điểm mua sắm Tết Ất Tỵ, ước đạt gần 108.000 tỷ đồng. Mức này tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước và hơn 28% tháng 2/2024 - thời điểm Tết Giáp Thìn. Điều này cho thấy người dân đã nới hầu bao mua sắm dịp năm mới.

Ông Vũ Quốc Hùng đánh giá sức mua Tết này đã cải thiện so với các năm qua, nhưng thói quen tiêu dùng thay đổi. Người dân chủ yếu mua hàng thiết yếu như quần áo, đồ dùng gia đình. Các kênh bán lẻ truyền thống (tạp hóa, chợ) suy giảm, trong khi siêu thị có chuỗi tăng trưởng đến 30% dịp Tết. Kênh thương mại điện tử phát triển 40-50% năm qua.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đánh giá kinh tế tháng 1 có các điểm sáng về dịch vụ tiêu dùng, du lịch, giải ngân đầu tư công. Để tăng trưởng 10% năm nay, TP HCM đặt mục tiêu huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 600.000 tỷ đồng, phấn đấu đến 620.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư công (gồm vốn chuyển tiếp năm 2024 và kế hoạch vốn 2025) tổng cộng khoảng 110.000 tỷ đồng đang chờ giải ngân.

Địa phương kỳ vọng thu hút được 422.000 tỷ đồng vốn ngoài Nhà nước và 70.000 tỷ đồng trực tiếp nước ngoài (FDI). Ông Đặng Quốc Toàn, Chánh Văn phòng UBND TPHCM cho biết kế hoạch cụ thể để huy động con số này sẽ được ban hành tuần sau.

Viễn Thông

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022