Công trình được công bố trên tạp chí Nature Medicine, ngày 5/2. Các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu từ 184 quốc gia để ước tính số ca bệnh liên quan đến đồ uống có đường. Kết quả cho thấy, gánh nặng bệnh tật do loại đồ uống này không đồng đều giữa các nhóm dân số và khu vực. Nam giới chịu ảnh hưởng nhiều hơn nữ giới, trong khi người trẻ tuổi và những người có trình độ học vấn cao cũng dễ mắc bệnh hơn.

Đặc biệt, các khu vực như Mỹ Latinh, Caribe và châu Phi cận Sahara chịu tác động nặng nề nhất. Tại châu Phi cận Sahara, đồ uống có đường là nguyên nhân gây ra khoảng 21% tổng số ca tiểu đường mới trong năm 2020. Ở Mỹ Latinh và Caribe, con số này lên tới gần 24% các ca tiểu đường mới và hơn 11% các ca bệnh tim mạch mới.

pexels-michael-morse-1384039-1-4450-6615-1738911495.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8Zaq8TgVJ4VveR9x6SqO_w

Đồ uống có đường là nguyên nhân gây ra hàng triệu ca tiểu đường type 2 trên khắp thế giới. Ảnh: Pexel

Từ năm 1990 đến 2020, Colombia ghi nhận mức tăng cao nhất về số ca tiểu đường type 2 liên quan đến đồ uống có đường, với trung bình 793 ca mới trên mỗi một triệu người trưởng thành. Năm 2020, gần 50% các ca tiểu đường type 2 tại Colombia có liên quan đến nước ngọt. Mỹ đứng thứ hai với mức tăng trung bình 671 ca mới trên mỗi một triệu người trưởng thành trong cùng giai đoạn. Châu Phi cũng được ghi nhận là khu vực có mức tăng lớn nhất về cả tiểu đường type 2 và bệnh tim mạch trong 30 năm qua.

Theo các chuyên gia, đồ uống có đường đang được quảng bá mạnh mẽ tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, nơi người dân tiêu thụ sản phẩm này nhưng thiếu các biện pháp đối phó với hậu quả sức khỏe lâu dài. Dariush Mozaffarian, tác giả chính của nghiên cứu và giám đốc Viện Food Is Medicine tại Đại học Tufts, nhấn mạnh: "Đồ uống có đường không chỉ gây hại cho sức khỏe mà còn tạo ra gánh nặng bệnh tật lớn, đặc biệt ở những khu vực không đủ nguồn lực y tế để ứng phó".

Các tác giả hy vọng nghiên cứu này sẽ giúp định hình các chính sách và biện pháp can thiệp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của đồ uống có đường trên toàn cầu. Những biện pháp như áp thuế tiêu thụ đặc biệt, hạn chế quảng cáo và nâng cao nhận thức người dân được đề xuất để giảm tiêu thụ loại đồ uống này, từ đó cải thiện sức khỏe cộng đồng.

Thục Linh (Theo Washington Post)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022