Bệnh nhân N.T.L (20 tuổi, quê Thái Bình) đi khám do thấy thường xuyên bị đau chân, đi lại khó khăn. Kết quả khám tại bệnh viện tuyến dưới cho thấy bệnh nhân mắc Sarcoma xương (một dạng ung thư xương). Bệnh nhân đã được bác sĩ giải thích và chỉ định cắt cụt đùi trái.
Sau đó, bệnh nhân tới Bệnh viện K khám với hy vọng sẽ có phép màu xảy ra. Tại thời điểm L tới Bệnh viện K khám có tình trạng đau nhiều, khối u phát triển làm biến dạng cẳng chân trái, gây hạn chế vận động.
Kết quả thăm khám tại đây cũng cho thấy bệnh nhân mắc Sarcoma xương, đã điều trị hóa chất tiền phẫu khối u có đáp ứng một phần. Trên kết quả chụp MRI, các bác sĩ xác định bệnh nhân có khối u 1/3 dưới xương đùi trái, kích thước 10x10x18cm thâm nhiễm rộng phần mềm xung quanh.
BSCKII Hoàng Tuấn Anh, Trưởng khoa Ngoại cơ xương khớp, Bệnh viện K cùng ekip đã thống nhất chỉ định phẫu thuật cắt rộng u thay khớp gối trái. Đây là một ca bệnh khó, nguy cơ xảy ra tai biến cao, đặc biệt là tai biến mất máu, tổn thương thần kinh. Chính vì thế, phẫu thuật cần phải tỉ mỉ, chính xác.
Hình ảnh khối ung thu tại chân trái của L (ảnh BSCC).
Do bệnh nhân L còn quá trẻ nên ekip quyết tâm thực hiện thành công ca mổ khó cùng với khát vọng bảo tồn được chân của bệnh nhân.
Ca phẫu thuật kéo dài hơn 9 tiếng, quá trình phẫu tích khối u đã thành công. Hiện tại, bệnh nhân đã có thể tự đi lại có nạng.
Mẹ bệnh nhân L chia sẻ: “Gia đình tôi rất buồn và lo lắng do con tôi còn trẻ, đang là sinh viên, còn cả tương lai dài phía trước. Nếu mất một chân sẽ rất khó khăn trong cuộc sống và ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý của con. Khi ra đến Bệnh viện K, được các y bác sĩ điều trị và bảo tồn được chân cho con tôi, gia đình tôi rất vui mừng”.
Kiểm tra đánh giá sau mổ cho thấy chức năng vận động của chân bệnh nhân L đã dần ổn định. Sau phẫu thuật 15 ngày, bệnh nhân đã được các bác sĩ cho chuyển khoa để tiếp tục điều trị hóa chất.
Những điều cần biết về ung thư xương
Theo chuyên gia ung bướu, Sarcoma xương là u xương nguyên phát ác tính thường gặp nhất. Căn bệnh này có thể gặp ở bất cứ độ tuổi nào nhưng thường gặp nhất ở độ tuổi từ 10 - 25.
Các vị trí khối u thường xuất hiện là:
- Đầu trên xương chày
- Đầu dưới xương đùi (gần gối)
- Đầu trên xương cánh tay
- Đầu dưới xương quay (xa khuỷu)
Ung thư xương thường diễn biến âm thầm. Chủ yếu người bệnh thường đau âm ỉ ở phần xương dài (xương đùi, xương cẳng chân) và các cơn đau nằm sâu bên trong khiến người bệnh nhầm lẫn với đau xương khớp. Thuốc giảm đau thông thường không làm thuyên giảm các cơn đau do ung thư xương gây ra.
Theo chuyên gia, các yếu tố nguy cơ của bệnh có thể là tuổi tác, một số bệnh về xương và tình trạng di truyền,...
Để giảm thiểu nguy cơ ung thư xương, mọi người có thể áp dụng một số phương pháp sau:
- Bổ sung canxi; magiê; thực phẩm nhiều chất xơ và vitamin như rau xanh, trái cây; các thực phẩm giàu acid béo omega-3 vào chế độ ăn hàng ngày.
- Giảm đồ ăn nhiều chất béo, dầu mỡ.
- Duy trì lối sống khỏe mạnh bằng cách tránh xa các chất kích thích (rượu bia, thuốc lá…).
- Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên.