17 tuổi phải chạy thận suốt đời

Đức Anh (SN 2005, Phú Thọ - tên nhân vật đã được thay đổi) mới 19 tuổi nhưng đã có 2 năm chạy thận nhân tạo. 

Đức Anh kể, trước đây cậu luôn tự tin vào sức khỏe của mình cho nên chưa từng đi khám sức khỏe. Một thời gian sau, Đức Anh đột nhiên cảm thấy cơ thể mệt mỏi nhưng chủ quan nên không thăm khám. Sau đó, cậu tiếp tục có triệu chứng chán ăn, chuột rút liên tục... 

Lo lắng vì 3 dấu hiệu bất thường bên trên nên Đức Anh mới đến bệnh viện thăm khám thì phát hiện mình đã bị suy thận giai đoạn 5, cần lọc máu ngay.

photo-1723790353622-1723790353761484421420.jpeg

Hình minh họa.

2 năm qua, Đức Anh duy trì lọc máu 1 tuần 3 lần. Những lần lọc máu để lại trên tay chàng trai 19 tuổi rất nhiều vết bầm tím, vết sẹo, cùng một sức khỏe suy giảm, thể chất gầy gò. Cậu hối hận vì trước đây đã thờ ơ với những dấu hiệu cảnh báo của sức khỏe.

"Em hối hận vì đã không thăm khám sức khỏe, nếu suy thận được phát hiện ở giai đoạn sớm hơn thì em sẽ có cơ hội bảo tồn", Đức Anh chia sẻ.

Chàng trai 19 tuổi nhắn nhủ mọi người không nên chủ quan với những bất thường dù là nhỏ nhất của cơ thể. Đồng thời cần duy trì khám sức khỏe định kỳ mỗi năm 1-2 lần.

Khi nào bệnh nhân cần chạy thận nhân tạo?

Theo BSCK I Nguyễn Hùng (Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng): Chạy thận nhân tạo là phương pháp lọc máu ngoài cơ thể. Khi đó, máu của người bệnh sẽ được dẫn ra bộ lọc của máy chạy thận để lọc sạch các chất cặn của quá trình chuyển hóa và nước thừa, sau đó máu sẽ được trả về cơ thể. 

Phương pháp này thường được chỉ định cho những bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính ở giai đoạn 5, khi mức lọc cầu thận đã giảm xuống dưới 15 ml/ph/1.73 m², khiến thận gần như mất hoàn toàn chức năng và các chất độc tích tụ trong cơ thể. Đối với bệnh nhân đái tháo đường, việc chạy thận nhân tạo có thể được chỉ định sớm hơn. Ngoài ra, chạy thận nhân tạo còn được sử dụng để điều trị suy thận cấp và trong các trường hợp ngộ độc hoặc quá liều thuốc.

Làm sao để phòng ngừa bệnh suy thận?

edit-du-an-moi-1-1723791026999125121248.jpeg

Hình minh họa.

- Nguyên nhân gây suy thận là gì?

Suy thận mạn tính có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó phổ biến là tăng huyết áp, hội chứng thận hư, sỏi thận, viêm cầu thận và các biến chứng mạn tính của bệnh đái tháo đường. Đặc biệt, việc tiêu thụ nước ngọt có ga chứa axit photphoric có thể làm thay đổi thành phần nước tiểu, thúc đẩy hình thành sỏi thận, dẫn đến suy thận mạn tính.

  • avatar1723720876661-17237208774831077351036.jpg

    Người đàn ông Hà Nội suy thận ở tuổi 34: "Giá như đi khám sớm thì đã không phải chạy thận suốt đời"

- Triệu chứng của bệnh suy thận là gì?

Ở các giai đoạn đầu, suy thận mạn tính thường không có triệu chứng rõ ràng, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác. Khi các triệu chứng như sạm da, đau lưng, tiểu ít, phù nề xuất hiện, thường bệnh đã tiến triển đến giai đoạn 5, khi đó bệnh nhân buộc phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận để duy trì sự sống.

Một số triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân suy thận mạn tính bao gồm: Mệt mỏi, buồn nôn, chóng mặt, ăn kém, chuột rút, co giật cơ bắp, da khô và ngứa, ngứa kéo dài, khó ngủ, sụt cân không rõ nguyên nhân.

photo-1723790348485-17237903502481070227999.jpeg

Hình minh họa.

- Làm sao để phòng ngừa bệnh suy thận?

Để phòng ngừa suy thận, mọi người cần hạn chế uống nước ngọt, thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ, xét nghiệm máu và nước tiểu để kiểm tra chức năng thận. 

Những người mắc suy thận cần tuân thủ chế độ dùng thuốc và ăn uống theo hướng dẫn của bác sĩ. Đối với bệnh nhân suy thận đang lọc máu, việc tuân thủ chế độ ăn uống chặt chẽ là vô cùng quan trọng.

Để phát hiện sớm bệnh thận, những trường hợp sau cần tầm soát ít nhất một lần mỗi năm: Người từ 60 tuổi trở lên. Người mắc bệnh tăng huyết áp hoặc đái tháo đường. Người có tiền sử gia đình mắc bệnh suy thận.

Ngoài ra, nếu bạn gặp phải các triệu chứng như đau lưng, tiểu buốt, tiểu nhiều lần trong ngày, tiểu ra máu hoặc nước tiểu có mùi hôi, bạn nên đi khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022