Ngày thứ hai bị bỏng, trẻ sốt, gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), bác sĩ chẩn đoán bỏng độ II, III vùng đầu, vai và cánh tay phải.

Ngày 16/8, ThS.BSCKII Phùng Công Sáng, Phụ trách Đơn vị Bỏng, Phó Trưởng Khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết bỏng nước là loại bỏng nhiệt, nguy cơ nhiễm trùng vùng bỏng cao. Mức độ nguy hiểm của vết thương do bỏng phụ thuộc vào các yếu tố như nhiệt độ, khoảng thời gian da tiếp xúc, diện tích vết thương bị bỏng và vị trí vết bỏng. Do đó, nếu không được xử trí nhanh và đúng cách ngay khi bị bỏng, vùng da tổn thương có nguy cơ bỏng sâu thêm và nhiễm trùng.

"Bôi mỡ trăn lên vết bỏng nông sẽ có cảm giác dễ chịu, còn bỏng sâu thì không có tác dụng điều trị mà còn có nguy cơ gây nhiễm trùng, tăng độ sâu của bỏng, tình trạng của trẻ nặng lên", bác sĩ Sáng cho hay.

1-jpeg-1723806193-3149-1723806282.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=pQveJqeRAdgTxJ51up3q5w

Bác sĩ thay băng cho bệnh nhi. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Sơ cứu bỏng nước cũng tương tự như các loại bỏng nhiệt khác. Mục tiêu sơ cứu ban đầu là nhằm giảm đau, giữ vệ sinh và ngăn ngừa nhiễm trùng. Vì vậy, khi trẻ bị bỏng, trước tiên cần đưa trẻ tránh xa tác nhân gây bỏng, ngâm bộ phận bị bỏng vào trong nước sạch, mát 16-20 độ C, tốt nhất trong 30 phút đầu sau khi bị bỏng.

Trẻ bị bỏng vùng mặt thì dùng khăn ướt mềm đắp lên. Diện tích bỏng rộng, chú ý giữ ấm cho trẻ ở những phần không bị bỏng nhưng tuyệt đối không dùng đá lạnh để tránh gây bỏng lạnh. Không xoa dầu, bôi kem đánh răng, trứng gà, mỡ trăn, dầu cá, đắp lá lên vùng da bị bỏng vì dễ nhiễm trùng. Sau khi sơ cứu, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022