Bệnh nhân mang thai lần ba, hai lần đầu sinh thường. Thời gian đầu thai kỳ, chị không phát hiện bất thường, khi thai ở tuần 25-26 thì đau bụng âm ỉ vùng hạ vị kèm ra máu âm đạo.

Bác sĩ Bệnh viện K chẩn đoán bệnh nhân mắc u lympho Non hodgkin tại cổ tử cung. Bỏ qua lo lắng về tính mạng của mình, người mẹ bày tỏ với bác sĩ "muốn giữ con". Bác sĩ Bệnh viện K quyết định trao đổi cùng đồng nghiệp ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương để theo dõi sát sự phát triển của khối u với mong muốn kéo dài tối đa tuần tuổi thai kỳ cho bệnh nhân.

Đầu tháng 9, thai phụ ra máu âm đạo nhiều hơn. Bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương nhận định máu âm đạo chảy từ khối u, chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện K để phẫu thuật. Đêm 6/9, các chuyên gia của hai bệnh viện hội chẩn đánh giá khối u to sùi loét chiếm toàn bộ cổ tử cung, chảy máu nhiều. Họ thử đặt gạc âm đạo để cầm máu nhưng khối u lớn hoại tử, giải pháp này thất bại. Cùng với đó, bệnh nhân có dấu hiệu chuyển dạ, cơn co tử cung xuất hiện. Bác sĩ hai bệnh viện quyết định mổ bắt con và cắt toàn bộ tử cung để cầm máu cho bệnh nhân ngay trong đêm.

Bé trai nặng 1,6 kg chào đời, được chuyển về khoa Sơ sinh Bệnh viện Phụ sản Trung ương chăm sóc trong khi kíp mổ xử lý tiếp các vấn đề còn lại của người mẹ.

img-9752-jpeg-1662546865-2457-1662547017.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=vpojd-W5k3IfuS57VBv0kw

Em bé chào đời nặng 1,6 kg. Ảnh: Thái Hà

TS. BS Phạm Thị Diệu Hà, Phó trưởng khoa Ngoại phụ khoa, Bệnh viện K, cho biết thai phụ cùng lúc phải tiến hành hai cuộc mổ nên nguy cơ chảy máu trong khi phẫu thuật là rất lớn. "Khối u trong cổ tử cung kích thước quá lớn và ống cổ tử cung cũng rất to đã xóa hết ranh giới giải phẫu. Cùng với đó, thân tử cung do sản phụ mổ đẻ chưa co hồi nên càng làm mất các mốc giải phẫu, gây nhiều khó khăn cho chúng tôi trong khi mổ", bác sĩ Hà nói.

Bác sĩ phẫu thuật ghi nhận tổn thương u cổ tử cung kích thước 6x10 cm, mủn nát hoại tử, chảy máu, vì vậy đã cắt toàn bộ tử cung cho bệnh nhân. Do mất máu nhiều trước đó, bệnh nhân được hồi sức tích cực và truyền 4 đơn vị hồng cầu, 4 đơn vị huyết tương.

Hiện tại bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, tiếp tục được theo dõi và điều trị.

img-9749-jpeg-1662546914-7201-1662547017.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=2HixVGtaXaxIYpTO3B92PA

Ê kíp bác sĩ Bệnh viện K và Phụ sản Trung ương phối hợp tiến hành hai ca phẫu thuật cùng lúc, vừa bắt con vừa cắt u tử cung cho sản phụ. Ảnh: Thái Hà

U lympho không Hodgkin là một loại của ung thư hệ bạch huyết. Trong cơ thể, hệ bạch huyết có nhiệm vụ bảo vệ và chống lại những tác nhân gây bệnh tật và nhiễm trùng. Với u lympho không Hodgkin, khối u sẽ phát triển từ tế bào lympho (tế bào lympho tồn tại ở hạch bạch huyết, lá lách và những cơ quan khác của hệ miễn dịch). Với đặc điểm này, khối u có thể xuất phát từ bất kỳ vị trí nào trong cơ thể và lan sang các bộ phận khác.

Việt Nam ghi nhận hơn 3.500 người phát hiện mắc u lympho mỗi năm, nhiều thứ 11 trong các loại ung thư. Những người mắc bệnh suy giảm hệ miễn dịch, hoặc phải dùng thuốc để kiểm soát hệ miễn dịch, dễ mắc bệnh này.

Điều trị bệnh lympho tùy thuộc vào giai đoạn bệnh và loại mô bệnh học, vị trí tổn thương, thể trạng người bệnh... Phương pháp điều trị kết hợp đa phương thức, chủ yếu là điều trị toàn thân như hóa trị kết hợp điều trị đích, ghép tế bào gốc, điều trị tại vùng như xạ trị, phẫu thuật...

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022