Bệnh cúm đang hoành hành phía Bắc từ Tết đến nay. Tại khoa Bệnh Nhiệt đới và can thiệp giảm hại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, số bệnh nhân cúm trong tháng 1 cao gấp 6 lần so với tháng 12/2024. Bệnh viện Nhi Trung ương ghi nhận số ca cúm tăng đột biến từ 200 ca/tuần vào giữa tháng 12/2024 lên tới hơn 1.200 ca trong dịp Tết - gấp 6 lần. Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, và Bệnh viện Lão khoa Trung ương cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Trong đó, nhiều ca phải thở máy, có trường hợp tử vong. Bệnh nhân nặng thường là người già, có bệnh nền.

"Nhiều người vẫn chủ quan, xem cúm là bệnh nhẹ", TS. BS Vũ Quốc Đạt, Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới và can thiệp giảm hại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nói.

Nguyên nhân mọi người chủ quan là do hiểu sai về bản chất của bệnh cúm mùa. Trong y học có bệnh cúm và cảm cúm. Bệnh cảm cúm thông thường là bệnh phổ biến, người bệnh có các triệu chứng nhẹ và hầu hết hồi phục một cách hoàn toàn, không để lại di chứng hay biến chứng đáng kể nào.

Còn bệnh cúm là một bệnh do virus cúm gây ra, có thể tiến triển rất nhanh, dẫn tới tình trạng suy hô hấp, thậm chí tử vong.

"Nhiều trường hợp cảm cúm thông thường và khỏi hoàn toàn nhưng khi mắc bệnh cúm vẫn có nguy cơ tiến triển nặng, cần phải nhập viện điều trị", bác sĩ nói.

Thứ hai, đa số mọi người cho rằng cúm là bệnh nhẹ, nếu tình trạng sức khỏe tốt, không có bệnh lý nền, có thể phục hồi hoàn toàn. Song, cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do các loại virus cúm gây ra, có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai giữa, viêm cơ tim... Tùy từng loại virus, cúm có thể gây những triệu chứng, diễn tiến nặng nhẹ khác nhau.

Phần lớn trường hợp nhiễm trùng hô hấp thời điểm này liên quan đến một số loại virus như cúm A/H3N2, cúm A/H1N1, cúm B và virus hợp bào hô hấp (RSV), sau đó có thể bội nhiễm thêm các vi khuẩn.

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, khuyến cáo mọi người cần phân biệt rõ triệu chứng cảm lạnh và bệnh cúm. Cảm lạnh (cold) là cơ thể bị nhiễm gió lạnh, mưa lạnh thường gây mệt mỏi qua loa vài ngày tự khỏi, còn cúm (flu) là một bệnh do tác nhân virus cúm gây ra các triệu chứng đường hô hấp như ho, sốt, ngạt mũi, hắt hơi, khó thở và có thể gây biến chứng nguy hiểm cần phải điều trị. Những người có bệnh nền, người có hệ miễn dịch yếu và phụ nữ mang thai 3 tháng đầu cần đặc biệt chú ý đề phòng

Thuốc kháng virus điều trị cúm là Oseltamivir (Tamiflu) giúp giảm nhanh triệu chứng, tuy nhiên cần phải có chỉ định sử dụng và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa.

475896761-640107972008437-8997-4714-4017-1738982821.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=poNcOveE13QX0kOtKAUY3Q

Bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương theo dõi sức khỏe cho bệnh nhân mắc cúm. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Cúm là bệnh lưu hành quanh năm, đặc biệt tăng mạnh trong các giai đoạn khí hậu lạnh ẩm, như tháng 1-2 và tháng 6-7. Một số yếu tố xã hội - văn hóa trong dịp Tết Việt Nam đóng vai trò đáng kể trong sự gia tăng năm nay. Ngoài ra, thời tiết miền Bắc lạnh sâu kéo dài, kèm tuyết rơi ở một số khu vực, cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, và nấm mốc phát triển.

Các bác sĩ khuyến cáo người bệnh cúm không nên chủ quan trước các dấu hiệu chuyển biến nặng như sốt cao liên tục, thở mệt, hụt hơi. Ngoài biến chứng viêm phổi, người mắc bệnh cúm còn dễ tử vong vì bội nhiễm các vi khuẩn, virus nguy hiểm khác.

Nên phòng ngừa cúm bằng cách chích ngừa hàng năm, nhất là người thuộc nhóm nguy cơ cao. Sát khuẩn, vệ sinh hầu họng, giữ vệ sinh răng miệng hàng ngày. Đeo khẩu trang, tránh những nơi quá đông người, tránh tiếp xúc những người có nguy ngờ bệnh cúm.

Tránh tụ tập đông người, đặc biệt trong thời gian bệnh dịch bùng phát. Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, bổ sung vitamin và khoáng chất cần thiết. Khám bệnh ngay khi có triệu chứng kéo dài hơn ba ngày, nhất là với nhóm người cao tuổi, trẻ nhỏ hoặc có bệnh nền.

Thùy An

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022