Ngày 7/2, đại diện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết bệnh nhân bị vết thương hở nhỏ ở bàn chân khi làm ruộng, sau hai tuần thì sốt cao, nhập viện trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, phải thở máy.

Qua xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bị whitmore (còn gọi là vi khuẩn "ăn thịt người") tấn công, điều trị tích cực trong hai tháng. May mắn, tình trạng nhiễm trùng dần cải thiện, người bệnh hết sốt, tỉnh táo hơn và cai được máy thở.

Tuy nhiên, do biến chứng nằm điều trị lâu, bệnh nhân xuất hiện một vết loét tỳ đè khổng lồ ở vùng mông, lộ xương, cơ hoại tử nghiêm trọng. Vết loét kích thước 20 cm, cơ mủn nát, tưới máu kém. Đây là vùng tỳ đè quan trọng, cần được che phủ bằng mô dày dặn và có cấp máu tốt.

Bác sĩ chuyên khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ cắt lọc và làm sạch tổ chức hoại tử, sử dụng vạt da cơ mông lớn để tạo hình che phủ vết thương. Sau một tháng phẫu thuật, vạt da sống tốt, bệnh nhân có thể đứng dậy, đi lại.

fedfa52222b89de6c4a9-173893975-8460-2011-1738939870.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Ha0o8nNMD_qnAlmWP7595w

Bác sĩ khoa hồi sức tích cực điều trị một bệnh nhân. Ảnh minh họa: Ngọc Thành

Whitmore sống trong đất, đường lây nhiễm chính là các vết trầy xước trên da tiếp xúc đất, nước có vi khuẩn; hoặc qua đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn. Hàng chục năm qua, bệnh Whitmore gần như biến mất, xuất hiện lại trong vài năm gần đây.

Các bác sĩ cho biết whitmore có biểu hiện lâm sàng đa dạng, không điển hình, dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác. Bệnh có thể diễn biến cấp tính, nhiễm trùng máu nặng, nguy kịch, tử vong hoặc có thể gặp nhiễm trùng mãn tính, ẩn, kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Việc điều trị cũng khó khăn do vi khuẩn vốn đề kháng tự nhiên với nhiều kháng sinh, đòi hỏi phải chữa đúng phác đồ, đủ thời gian mới có thể kiểm soát được bệnh. Ngoài thời gian nằm viện dài, nguy cơ gặp nhiều di chứng loét, bệnh nhân phải uống thuốc 3-4 tháng tại nhà.

Khi chăm sóc bệnh nhân nằm lâu, phòng ngừa loét tì đè, cần thay đổi tư thế thường xuyên mỗi 2 giờ; nếu bệnh nhân ngồi xe lăn cần thay đổi tư thế mỗi 15-30 phút để giảm áp lực. Có thể sử dụng đệm chống loét như đệm nước, đệm hơi hoặc nệm foam giúp phân tán áp lực; Vệ sinh da hàng ngày, lau khô sau khi tắm, sử dụng kem dưỡng ẩm để bảo vệ da. Bệnh nhân cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý như bổ sung protein, vitamin (C, A, D) và kẽm để tăng cường tái tạo mô, làm lành vết thương. Tập cử động tay chân, xoa bóp, và vật lý trị liệu để tăng tuần hoàn máu.

Hiện chưa có vaccine phòng bệnh whitmore. Bác sĩ khuyến cáo người dân nên chủ động chống bằng cách ăn chín, uống nước đun sôi để nguội, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết; hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, ở những nơi ô nhiễm nặng, khi cần tiếp xúc cần sử dụng đồ bảo hộ ví dụ găng tay, ủng... Không nên tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông nơi bị ô nhiễm.

Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng, cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc, hãy sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.

Những người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, thận, suy giảm miễn dịch... cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh, cần vào viện để khám, điều trị kịp thời.

Thúy Quỳnh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022