Người phụ nữ 30 tuổi, đã sinh 2 con, đặt vòng ngừa thai được 5 năm nhưng vẫn mang thai lần ba. Đến tuần 40 tuần, bé trai chào đời khỏe mạnh, bác sĩ lấy ra chiếc vòng tránh thai từ tử cung người mẹ.

Ngày 6/12, bác sĩ Hà Cẩm Thương - Phó khoa Sản khoa tự nguyện, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho biết trẻ chào đời khi trong tử cung người mẹ vẫn còn vòng tránh thai là điều hiếm gặp. Trường hợp này, vòng tránh thai không gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi do nằm bên ngoài túi ối. Sau sinh, mẹ và bé được chăm sóc tích cực.

"Dù không nằm trong kế hoạch, song em bé chào đời khỏe mạnh, mẹ tròn con vuông là điều vô cùng may mắn", bác sĩ nói.

img-0771-1733446035-5062-1733446629.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=CEnKm-2j8tbZjo6XSML2QA

Em bé chào đời cùng vòng tránh thai của mẹ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Thông thường, tỷ lệ đặt vòng tránh thai nhưng vẫn có thai rất hiếm, chỉ chiếm 2%. Bác sĩ cho hay có thể do trong quá trình đặt, vòng bị tụt xuống nên không có khả năng tránh thai nữa.

Vòng tránh thai là một dụng cụ nhỏ (thường có hình chữ T) được đặt vào lòng tử cung của phụ nữ tạo nên hiệu quả tránh thai kéo dài trong nhiều năm. Hai loại thông dụng hiện nay là vòng hình chữ T và hình cánh cung, có quấn đồng. Cơ chế tác dụng chính của vòng tránh thai là gây ra phản ứng viêm tại niêm mạc tử cung, làm thay đổi về cấu trúc sinh hóa tế bào nội mạc, không tạo điều kiện để trứng thụ tinh làm tổ trong tử cung.

Thực tế không có phương pháp tránh thai nào đạt hiệu quả tránh thai tuyệt đối, phương pháp nào cũng có xác suất rủi ro. Sau khi đặt vòng tránh thai, phụ nữ cần phải tái khám sau một tháng để xác định lại vòng đã đặt đúng vị trí và khám định kỳ mỗi 6 tháng.

Thùy An

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022