Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một bé trai 4 tuổi đến khám do bị chậm nói. Theo chia sẻ của gia đình, bé là con thứ nhất trong gia đình, sinh non ở tuần 36, cân nặng 2,6kg.

Bé sống trong gia đình có bố mẹ và ông bà. Tuy nhiên, chủ yếu bé được ông bà chăm sóc vì mẹ làm công nhân, bố đi làm ăn xa. 

Người mẹ cho biết trẻ tiếp xúc với thiết bị điện tử (tivi và điện thoại) từ sớm. Cụ thể, khi trẻ ăn, ngồi chơi hay quấy khóc… thì được ông bà dỗ dành bằng cách cho xem tivi, điện thoại.

Ths.BSNT Đỗ Thùy Dung (Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, khi trẻ được 15 tháng, trẻ bắt đầu biết đi, nhưng chưa nói được từ nào. 2 tuổi, trẻ nói được ít từ đơn, chưa nói được từ ghép, vốn từ hạn chế và đôi khi không nói gì trong một thời gian dài. Thậm chí, có thời điểm, trẻ nói nhưng không rõ nghĩa và thường xuyên bị sót âm.

e612d344325d8c03d54c-1739794943884-17397949440801144418051.jpg

Bác sĩ Tùng chia sẻ thông tin về vấn đề chậm phát triển ngôn ngữ (Ảnh: N.M).

Qua thăm khám, kiểm tra và đánh giá tâm lý, tâm thần, các bác sĩ chẩn đoán sơ bộ trẻ cần theo dõi rối loạn ngôn ngữ diễn đạt (chậm nói đơn thuần).

  • baby-three-la-gi-1739278216047-1739278216650173896734-1739285368972-1739285369131165138256-0-37-675-1117-crop-1739285487411915312334.jpg

    "Trào lưu xé túi mù có cơ chế gây nghiện, nguy hiểm như trò đỏ đen"

Hiện, trẻ đang được trị liệu ngôn ngữ và can thiệp tâm lý, ví dụ như giáo dục tư vấn gia đình giảm thời gian xem tivi và điện thoại, gia đình cần quan tâm dành thời gian trò chuyện với con…

Sau 3 tháng can thiệp, khi tái khám, trẻ đã cải thiện nhưng không nhiều. Người mẹ chia sẻ về nhà, trẻ vẫn được cho xem điện thoại, tivi nhiều.

Bác sĩ Dung đã nói với mẹ bệnh nhi rằng lần sau tái khám nên đưa ông bà đi cùng để được bác sĩ tư vấn cách chăm sóc và tương tác với trẻ tại nhà.

Sau 6 tháng, nhờ có sự can thiệp và sự hợp tác của ông bà, trẻ đã nói được những câu dài, ngôn ngữ cải thiện hơn.

Nguyên nhân trẻ chậm nói

TS.BS Vũ Sơn Tùng, Trưởng phòng Sức khỏe tâm thần trẻ em và vị thành niên (Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ em là một tình trạng chậm trễ trong việc đạt được mốc phát triển về ngôn ngữ. 

Trẻ có thể gặp khó khăn trong việc hiểu lời nói, phản ứng lại với lời nói của người khác, chậm nói, không ghép được các từ thành câu, vốn từ ít, diễn đạt câu vụng về… “Thông thường, một trẻ được coi là chậm nói khi tới 2 tuổi vẫn chưa nói được khoảng 50 từ đơn hoặc chưa nói được từ ghép”, bác sĩ Tùng cho hay.

Nguyên nhân chậm phát triển ngôn ngữ của trẻ thường là do bất thường giải phẫu, giác quan; bị tổn thương hệ thần kinh trung ương; rối loạn phổ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ; thiếu hụt sự chăm sóc từ gia đình - điều đang ngày càng gia tăng.

Ngoài ra, bác sĩ Tùng cũng chỉ ra một số yếu tố nguy cơ dẫn tới chậm phát triển ngôn ngữ của trẻ, đó là:

- Yếu tố gia đình;

- Xem tivi, điện thoại quá nhiều - hơn 2 giờ/ngày ở trẻ từ 1-3 tuổi;

- Trẻ nam có tỷ lệ mắc các rối loạn ngôn ngữ cao hơn đáng kể so với nữ…

Theo bác sĩ Tùng, hiện nay không ít trẻ chậm phát triển ngôn ngữ 5-6 tuổi mới được gia đình đi khám để can thiệp. Việc can thiệp muộn sẽ làm cho việc điều trị sẽ khó khăn hơn. 

1532-1739794945133-17397949452481098772138.png

Trẻ tiếp xúc quá nhiều với thiết bị điện tử sớm sẽ tăng nguy cơ chậm nói (ảnh minh hoạ).

“Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ nếu không được can thiệp sớm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển và tương lai sau này. Điển hình như có đến hơn 60% trẻ em bị chậm nói và ngôn ngữ không bắt kịp hoàn toàn với các bạn cùng lứa tuổi, gặp khó khăn về đọc và đánh vần cao gấp 6 lần và khó khăn về tính toán cao gấp 4 lần”, bác sĩ Tùng khuyến cáo.

Sau này, trẻ sẽ thiếu kỹ năng giao tiếp, cô lập xã hội, tự ti và lo lắng trong các tình huống; khó khăn trong việc kết bạn và duy trì các mối quan hệ. Những tác động này có thể kéo dài sang tuổi trưởng thành.

Do đó, khi phát hiện bất thường về phát triển ngôn ngữ, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt. Ở trẻ từ 0-3 tuổi có thể giúp cải thiện, sớm đạt các mốc phát triển ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp, đồng thời giảm bớt các vấn đề liên quan đến cảm xúc và nhận thức, xã hội…

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022