Ngày 25/8, bác sĩ Nguyễn Hiền, Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết bệnh nhi được mổ cấp cứu trong đêm. Êkíp ghi nhận khối lồng ruột kéo dài từ ruột non đến toàn bộ khung đại tràng. Đáng tiếc, một phần ruột non và đại tràng của bé đã bị hoại tử, không thể giữ lại. Sau khi cắt bỏ, bác sĩ khâu nối ruột non với phần đại tràng còn lại.

lo-ng-ruo-t-jpg-1724577133-5078-1724577264.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=LnSGzT4tYx9pt9ggrdO2fA

Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Lồng ruột là cấp cứu ngoại khoa thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi. Phát hiện kịp thời, bệnh nhân được thủ thuật bơm hơi tháo lồng khá nhẹ nhàng, đơn giản, không cần phẫu thuật. Ngược lại, nếu không phát hiện kịp thời, lồng ruột có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng như hoại tử ruột, nhiễm trùng huyết, thậm chí dẫn đến tử vong.

TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết từ đầu năm đến nay, nơi này tiếp nhận và điều trị khoảng hơn 500 trường hợp lồng ruột. Hầu hết ca được tháo lồng bằng hơi thành công. Tuy nhiên có những trường hợp đặc biệt phải phẫu thuật tháo lồng, cắt đoạn ruột hoại tử do vào viện trễ, như bệnh nhi trên.

Trẻ lứa tuổi nhũ nhi, đặc biệt ở các trẻ bụ bẫm, nếu có các triệu chứng đau bụng từng cơn kèm nôn ói, nhất là đi tiêu ra máu, khả năng cao đã bị lồng ruột. Phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám sớm. Không nên chủ quan, nghĩ rằng trẻ rối loạn tiêu hóa thông thường và điều trị tại nhà, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022