Theo lương y Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y Việt Nam, trong gừng chứa khoảng 2-3% tinh dầu, 5% nhựa dầu, 3,7% dầu mỡ, cùng các hoạt chất sinh học như Zingeron, Zingerol và Sogal. Đây đều là những chất tạo nên vị cay đặc trưng và mang lại công dụng dược lý.

Gừng tác dụng chống lạnh, tiêu đờm, hỗ trợ tiêu hóa, làm ấm cơ thể, giảm buồn nôn, trị đau bụng, đi ngoài, thổ tả.

Gừng là cây thân thảo, sống dai, thân rễ phát triển thành khối nạc, phân nhánh xòe ra như bàn tay, mang nhiều chồi. Lá gừng hình ngọn giáo, dài 20-30 cm, mọc thẳng đứng, hoa màu vàng xanh với mép tím, quả mọng.

Gừng có nguồn gốc từ Ấn Độ và Malaysia, hiện được trồng phổ biến ở hầu hết các nước vùng nhiệt đới. Tại Việt Nam, gừng là cây gia vị quen thuộc, được trồng ở nhiều nơi từ đồng bằng đến trung du, miền núi.

bai-thuoc-quy-tu-cu-gung-11310626-1746017742321-174601774253944623213.jpg

Củ gừng là vị thuốc quý trong y học cổ truyền, có thể hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh. (Ảnh minh hoạ)

Trong y học cổ truyền, các dạng bào chế khác nhau của gừng mang công dụng riêng. Gừng sống (sinh khương) vị cay, tính ấm nhẹ, thường dùng để chống lạnh, tiêu đờm, giảm nôn và đầy bụng.

Gừng nướng cháy (thán khương) tác dụng trị đau bụng do lạnh bụng, tiêu chảy. Gừng khô (can khương) giúp tán hàn, trị cảm lạnh, thổ tả. Vỏ gừng (khương bì) có tác dụng lợi tiểu, giúp tiêu phù thũng.

Nhiều bài thuốc dân gian sử dụng gừng như một thành phần chính. Một trong những bài phổ biến là sắc 7 lát gừng tươi với 7 củ hành và một bát nước, uống nóng, trùm chăn cho ra mồ hôi, giúp hạ sốt, trị cảm lạnh, cảm gió.

Một bài khác kết hợp 7 lát gừng, một thìa trà tàu, một quả chanh, một thìa rượu mạnh và một thìa mật ong, sắc uống để giảm cảm, ho, khó thở.

Với người bị ho có đờm hoặc sốt rét, có thể nướng kỹ gừng, gọt sạch, thái lát mỏng rồi ngậm nuốt từ từ. Gừng tươi sắc nước còn dùng để trị đau bụng, đầy trướng. Giã gừng đắp lên vùng tổn thương giúp giảm đau khi bị chấn thương, đau ngực.

Với những người thường xuyên làm việc ngoài trời vào sáng sớm, gió lạnh dễ khiến mệt mỏi, thậm chí ngất xỉu. Theo kinh nghiệm dân gian, trước khi ra khỏi nhà, chỉ cần uống một ngụm rượu gừng, hoặc nhai một miếng nhỏ gừng tươi có thể giúp phòng trúng gió độc.

Dù gừng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, không phải ai cũng nên dùng. Những người có thể trạng nhiệt, hay bị lở miệng, táo bón hoặc đang ra nhiều mồ hôi nên hạn chế.

Lương y Bùi Đắc Sáng khuyến cáo, việc sử dụng gừng kéo dài hoặc lạm dụng có thể gây phản tác dụng, như chảy nước mắt sống, đau mắt, thậm chí làm tổn thương niêm mạc dạ dày.

Hiện nay, nhiều nghiên cứu hiện đại cũng chứng minh gừng có khả năng chống viêm, kháng khuẩn, hỗ trợ điều trị một số bệnh lý về tiêu hóa và hô hấp.

Một số nghiên cứu cho thấy gừng còn có thể làm giảm triệu chứng buồn nôn ở phụ nữ mang thai và người điều trị ung thư bằng hóa chất.

Từ một loại gia vị bình dị, gừng đã khẳng định giá trị dược liệu quý giá, góp phần gìn giữ và phát huy vốn y học dân tộc trong đời sống hiện đại.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022