"Tập luyện sau giờ làm việc vừa nâng cao sức khỏe chống 'covid', vừa vui vẻ cùng đồng nghiệp để thời gian cách ly đỡ nhàm chán. Chúng tôi gọi đây là một kỷ niệm đáng nhớ trong đời, không phải ai cũng có được nhưng không bao giờ muốn gặp lại", bác sĩ Lê Quang Huy, khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Đà Nẵng, chia sẻ, hôm 31/7.

Họ thường tập luyện vào lúc sáng sớm hoặc chiều khi đã vãn việc. Trừ những người đang trong ca trực và điều trị bệnh nhân, hầu hết các y bác sĩ đều tập thể dục. Người nhảy, người hít đất, chạy bộ tại chỗ..., tất cả đều đeo khẩu trang và giữ đúng khoảng cách.

Bác sĩ Huy đăng video luyện tập của mình trên trang cá nhân để thử thách các đồng nghiệp khác, được mọi người ủng hộ. Đây là lần đầu tiên các y bác sĩ cùng tập thể dục tại bệnh viện. Video nhanh chóng nhận được nhiều sự quan tâm chia sẻ. Mọi người động viên bác sĩ lạc quan và vững vàng trước đại dịch.

"Tôi khá bất ngờ khi video tập thể dục được mọi người chia sẻ trên mạng. Tôi chỉ xem đây là tập luyện để mọi người giải tỏa áp lực trong cuộc chiến chống dịch lâu dài phía trước", bác sĩ Huy nói.

bac-si-da-nang-tap-the-duc-dong-vien-nhau-1596200756.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=n_FxAtTWE4QNtYW1uffgJw
Bác sĩ Đà Nẵng tập thể dục động viên nhau

Bệnh viện Đà Nẵng là một trong ba bệnh viện (cùng Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chấn thương và chỉnh hình Đà Nẵng) đang bị phong tỏa vì có người nhiễm nCoV. Hiện, khoa ngoại thần kinh có hơn 30 nhân viên y tế và khoảng 50 bệnh nhân, người nhà cùng cách ly.

Hàng ngày, bác sĩ khám bệnh, ra y lệnh điều trị và chỉ định bệnh nhân có thể xuất viện sang khu cách ly tập trung khác để giảm tải khu vực mình. Trong 4 ngày qua, các bác sĩ đã làm việc không ngừng nghỉ, trong tình huống bệnh viện bị cách ly hoàn toàn.

Từ ngày cách ly, công việc khám chữa bệnh vẫn duy trì. Để giảm áp lực công việc, nhân viên y tế được chia thành từng kíp để thay phiên nhau trực, khám, điều trị và chăm sóc bệnh nhân.

"Tất cả chúng tôi đều nhớ gia đình, nhớ vợ chồng con cái, song đều phải gác lại. Trách nhiệm công việc được đặt lên hàng đầu, tuyệt đối không lơ là", bác sĩ Huy nói.

Khoa Ngoại Thần kinh còn đang điều trị cho nhiều bệnh nhân nặng như bệnh nhân vỡ phình mạch não, u não, chấn thương sọ não nặng. Bệnh nhân nặng vẫn được chuyển vào điều trị tại khoa để phẫu thuật song tuân thủ quy trình bảo hộ và cách ly an toàn. Ngoài ra, bác sĩ còn thay phiên nhau giải thích và động viên bệnh nhân không lo lắng, hoang mang, tuân thủ quy định cách ly đảm bảo an toàn, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo.

Bác sĩ Huy khẳng định: "Chỉ cần tất cả chúng ta, từ bác sĩ, bệnh nhân đến người cách ly và cả người dân không ai đứng ngoài cuộc. Cuộc chiến này nhất định thắng lợi".

9538ad3af3f80fa656e9-4438-1596202245.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ebhVrU4CVTErwhPkk2UEIQ

Bác sĩ Huy ( hứ hai từ trái sang) cùng đồng nghiệp trong trang phục bảo hộ tiến hành ca phẫu thuật bệnh nhân chấn thương sọ não, tối 31/7. Trung bình mỗi ngày từ một đến hai ca cấp cứu tại khoa. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Thùy An

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022