"Gần 25 năm làm việc trong ngành y, đã thực hiện can thiệp xâm lấn tối thiểu các bệnh lý đường mật-tụy thành công cho hơn 10.000 trường hợp nhưng có thể nói đây là ca bệnh khó mà lần đầu tiên tôi gặp vì "bốn bề nguy cơ"".
Chia sẻ này được ThS.BS Nguyễn Thế Toàn, Trưởng khoa Ngoại Bệnh viện Gia An 115 TP HCM, đưa ra vào sáng ngày 6-4 sau khi ông cùng đồng sự vừa "cân não" nội soi để tìm đường vào xử trí cấp cứu ca bệnh tắc đường mật đang nguy kịch, đã bị cắt mất hết 2/3 dạ dày kèm hai khối u gan khổng lồ đang bít lối…
BS Nguyễn Thế Toàn đang xử lý ca bệnh khó lần đầu ông gặp trong nghề
Bệnh nhân là ông N.V.K (68 tuổi, ở Tiền Giang), được chuyển cấp cứu trong tình trạng sốt, đau bụng nhiều, nôn ói, sốt; đang mang quá nhiều nguy cơ: Ung thư đại tràng, đã từng mổ cắt 2/3 dạ dày nối vị tràng, trào ngược dạ dày - thực quản, thiếu máu cơ tim mạn và tăng huyết áp.
Tại Bệnh viện Gia An 115, kết quả còn phát hiện có hai khối u gan phải kích thước 7cm và 11cm chèn ép tĩnh mạch, hạch vùng rốn gan 9x13mm gây tắc mật, nhiễm trùng. Bệnh nhân cần can thiệp giải áp khẩn để bảo toàn tính mạng, song chọn lựa phương pháp xử trí ca bệnh này là bài toán đau đầu cho các bác sĩ.
Hiện nay, ở bệnh lý tuyến mật-tụy, nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) đặt stent đường mật-tụy cho là lựa chọn số 1. Tuy nhiên, để thực hiện kỹ thuật này, ống soi phải được đưa vào miệng, đi qua thực quản, dạ dày, nhú tá tràng để đưa ống thông vào nhú tá tràng và ống dẫn mật. Ông K. đã từng mổ cắt 2/3 dạ dày nối vị tràng, việc đưa dụng cụ vào đường mật qua thực quản - dạ dày lại là không khả thi.
Lựa chọn thứ hai là dẫn lưu và đặt stent đường mật xuyên gan qua da (PTBD). Nhưng ông K. ung thư di căn gan và có hai khối u rất lớn chèn ép đường vào đường mật, phương pháp này rủi ro rất lớn, có thể gây xuất huyết và tử vong do nhiều khả năng phải xuyên qua u di căn.
Cuối cùng, BS Toàn quyết định nội soi dạ dày thăm dò hy vọng có thể tìm cách tiếp cận đường mật bằng kỹ thuật ERCP và may mắn đã tìm thấy một đường đi rất nhỏ để có thể thực hiện kèm theo phương án PTBD dự phòng dù rất nguy hiểm.
Sau 3 giờ "cân não" tập trung cao độ, nội soi lắc léo dò đường trong bụng người bệnh, các bác sĩ cũng đã đặt stent kim loại đường mật thành công với kỹ thuật ERCP, cứu ông K. qua nguy kịch.