Ngày 8/7, đại diện Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, sốt 39°C, không đo được huyết áp. Các bác sĩ chẩn đoán sốc nhiệt, điều trị tích cực, gồm hạ thân nhiệt bằng phương pháp chườm ấm, truyền dịch, thở máy.

Sau khoảng 6 giờ, người bệnh có dấu hiệu cải thiện, hiện đã phục hồi.

soc-nhiet-1-1751950966-1751950-5490-5199-1751951000.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=huZnmj0de7DygIUHs5IZTQ

Bác sĩ điều trị bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Những ngày qua, các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Phú Thọ, Ninh Bình nắng nóng gay gắt, trời lặng gió làm tăng cảm giác nóng bức, khó chịu.

Bác sĩ Nguyễn Đức Lịch, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, cho biết sốc nhiệt là một tình trạng y tế nghiêm trọng xảy ra khi nhiệt độ cơ thể tăng cao và không thể hạ nhiệt độ, thường là do tiếp xúc lâu với nhiệt độ cao, hoặc làm việc, hoạt động thể chất mạnh trong thời tiết nóng.

Các đặc điểm chính của sốc nhiệt là nhiệt độ cơ thể tăng lên 40°C (104°F) hoặc cao hơn. Cơ chế làm mát của cơ thể không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả, chẳng hạn như đổ mồ hôi. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể gây lú lẫn, bất tỉnh, tổn thương đa cơ quan hoặc thậm chí tử vong.

Trường hợp này may mắn được đưa đến cơ sở y tế kịp thời nên hồi phục nhanh chóng, giảm tối thiểu tình trạng tổn thương các cơ quan. Bác sĩ khuyến cáo người dân nên tránh các hoạt động thể lực quá sức, đặc biệt khi thời tiết nắng nóng. Hạn chế đi ra ngoài trong khoảng thời gian nhiệt độ tăng cao từ 10h đến 17h.

Uống đủ nước hàng ngày, hàng giờ để bù lượng nước mất đi. Người làm việc ngoài trời có thể phải bù 3 - 4 lít nước và nên bổ sung thêm điện giải tránh biến chứng suy thận cấp do mất nước. Tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả hoặc uống nước ép trái cây để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

Người lao động hoặc di chuyển ngoài trời phải cần trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, các biện pháp chống nắng nóng.

Nếu phát hiện người bị say nắng cần đưa người bệnh ra khỏi môi trường nắng, đặt nằm ở nơi thoáng mát có bóng râm càng sớm càng tốt. Sau đó, nới lỏng quần áo, chườm mát bằng nước lạnh, bổ sung nước uống hoặc nước orezol và chuyển ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để tránh nguy cơ, biến chứng nặng do mất nước, mất điện giải.

Thúy Quỳnh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022